Chứng khoán Mỹ lao dốc, S&P 500 có nửa đầu năm tệ nhất hơn 50 năm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tiếp tục mất điểm trong phiên cuối cùng của tháng 6, S&P 500 khép lại nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970.

Chỉ số S&P 500 khép lại nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Ảnh: CNBC
Chỉ số S&P 500 khép lại nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 30/6, chỉ số Dow Jones sụt 253,88 điểm, tương đương 0,8%, xuống còn 30.775,43 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm gần 0,9% về mức 3.785,38 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite hạ 1,3% xuống còn 11.028,74 điểm.

Ngày thứ Năm là phiên giao dịch cuối cùng của quý II/2022. Các chỉ số Dow Jones và S&P 500 chứng kiến quý giảm mạnh nhất kể từ quý I/2020, khi các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 khiến cổ phiếu lao dốc. Chỉ số Nasdaq Composite trong quý cũng sụt tới 22,4%, mức lớn nhất kể từ năm 2008. 

Bên cạnh đó, chỉ số S&P 500 cũng ghi nhận 6 tháng đầu năm giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 1970 trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng về mức lạm phát cao và quá trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Ngoài ra, cuộc xung đột Nga-Ukraine và đợt tái bùng phát Covid-19 tại Trung Quốc cũng tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.  

Bà Stephanie Lang - Giám đốc đầu tư tại Homrich Berg nhận định với CNBC: “Chúng ta phải đương đầu với một đại dịch nguy hiểm chưa từng có tiền tệ, khiến thế giới gần như tê liệt và chính phủ Mỹ ngay lập tức phản ứng bằng những các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ khổng lồ. Điều đó tạo nên một cơn bão hoàn hảo với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng vọt, hệ quả là lạm phát chạm đỉnh nhiều thập kỷ trong khi FED tỏ ra thiếu cảnh giác”. 

Theo chuyên gia Lang, thời điểm hiện tại, thị trường phải chấp nhận thực tế rằng FED đang phải nỗ lực bằng mọi giá để kiềm chế lạm phát và hệ quả là tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Lãi suất trái phiếu chính phủ cũng tăng mạnh, bên cạnh đó là định giá cao, khiến nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc. Đà đi lên của lãi suất trái phiếu khiến lợi nhuận tương lai của các doanh nghiệp tăng trưởng trở nên kém hấp dẫn hơn. 

Chính vì vậy, chỉ số Nasdaq Composite bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ số này lao dốc hơn 31% so với mức đỉnh kỷ lục thiết lập vào ngày 22/11/2021. Cổ phiếu của nhóm công nghệ vốn hóa lớn giảm mạnh trong năm nay với Netflix mất 71%, Apple và Alphabet lần lượt sụt 23% và 24,8%, Meta (công ty mẹ của Facebook) lao dốc 52%. 

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu của Universal Health Services giảm 6,1%, làm trầm trọng hơn đà giảm của thị trường sau khi công ty này công bố dự báo doanh thu và lợi nhuận quý II thấp hơn kỳ vọng. 

Nhóm cổ phiếu tàu du lịch tiếp tục chìm sâu sau khi Morgan Stanley hạ mức giá mục tiêu của Carnival xuống còn một nửa. Giá cổ phiếu của công ty này giảm hơn 2%, Royal Caribbean và Norwegian Cruise Line đều mất hơn 3%.

Nhóm cổ phiếu hàng gia dụng cũng nhuộm sắc đỏ. Giá cổ phiếu chuỗi nội thất cao cấp RH sụt khoảng 10,6% sau khi công ty cảnh báo lợi nhuận giảm trong năm nay. Wayfair và Williams-Sonoma giảm lần lượt 9,6% và 4,4%. 

Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, thước đo lạm phát Mỹ được FED ưa chuộng, tăng 4,7% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Thương mại Mỹ. Mức lạm phát này thấp hơn thấp hơn 0,2% so với tháng trước đó nhưng vẫn bám sát đỉnh khoảng 40 năm.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) Chicago đạt 56 điểm trong tháng 6, thấp hơn dự báo 58,3 điểm của StreetAccount. 

FED đã phải mạnh tay nâng lãi suất nhằm sớm kéo giảm lạm phát, hiện cao nhất 4 thập kỷ. Trong cuộc họp chính sách giữa tháng này, FED đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - đợt tăng lãi suất mạnh nhất của cơ quan này kể từ năm 1994.

Cả hai yếu tố lạm phát và lãi suất tăng góp phần đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch FED tại bang Cleveland, bà Loretta Mester, cho biết ủng hộ phương án tăng lãi suất thêm 0,75% trong kỳ họp tháng 7 tới nếu tình hình không được cải thiện.

Giới đầu tư quan ngại rằng cả lạm phát và lãi suất cùng tăng góp phần đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.

“Chúng tôi cho rằng thị trường Phố Wall chưa chạm mức đáy và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới. Nhà đầu tư nên đẩy mạnh nắm giữ tiền mặt ở thời điểm hiện tại,” theo George Ball, Chủ tịch Sanders Morris Harris. “Chúng tôi dự báo S&P 500 sẽ chạm đáy ở ngưỡng quanh 3.100 điểm do chính sách thắt chặt tiền tệ của FED,” ông nói thêm. 

Bà Courtney Garcia - cố vấn tài sản cấp cao tại Payne Capital Management, nhận định, dù lạm phát chạm đỉnh, người dân vẫn tiếp tục phải đốit mặt với tình trạng giá cả cao trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, giới đầu tư cổ phiếu cũng cần chú ý quan sát, tránh bỏ lỡ cơ hội. 

“Diễn biến thị trường sẽ phản ánh một cuộc suy thoái trước khi nó thực sự xảy ra, vì vậy nhà đầu tư nên quan tâm đến điều này”, bà Garcia nói với CNBC. “Sau khi giảm hơn 15% trong 6 tháng đầu năm, điều đã xảy ra vài lần trong quá khứ, thị trường có xu hướng phục hồi trong nửa cuối năm với mức tăng trung bình khoảng 24%”.