Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall biến động dữ dội trong phiên ngày thứ Năm sau khi nhà đầu tư đón nhận số liệu giá tiêu dùng tháng 9 cao hơn dự báo, với chỉ số Dow Jones Jones có lúc mất tới 550 điểm nhưng cũng có lúc vọt lên 958 điểm, tương ứng với biên độ dao động khoảng 1.500 điểm.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 13/10, chỉ số Dow Jones vọt 827,87 điểm (tương đương 2,83%) lên 30.038,72 điểm, sau khi sụt hơn 500 điểm ở đầu phiên. Chỉ số S&P 500 cộng 2,6% lên mức 3.669,91 điểm, chấm dứt đợt lao dốc 6 phiên liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 2,23% lên 10.649,15 điểm.
Phiên giao dịch đã có thời điểm chứng kiến các chỉ số chính chạm đáy kể từ năm 2020, sau khi dữ liệu lạm phát được công bố và bất ngờ đảo chiều hồi phục mạnh sau đó. Trong đó, Dow Jones lấy lại hơn 1.300 điểm, S&P 500 ghi nhận biên độ dao động giá rộng nhất kể từ tháng 3/2020 khi nhà đầu tư tiếp nhận báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 của Mỹ.
Theo SentimenTrader, phiên 13/10 ghi nhận ngày đảo chiều tăng điểm mạnh thứ 5 trong lịch sử S&P 500 và mạnh thứ 4 trong lịch sử Nasdaq.
Cổ phiếu năng lượng và tài chính dẫn đầu đà hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ khi hai nhóm này cùng leo dốc hơn 4%. Cổ phiếu đại gia dầu khí Chevron tăng 4,85% khi giá dầu khởi sắc.
Cổ phiếu các ngân hàng lớn Goldman Sachs và JPMorgan Chase tăng tương ứng 4% và 5,6%. Các cổ phiếu công nghệ gồm Apple, Microsoft, Nvidia và Qualcomm cũng góp phần thúc đẩy đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường.
Dữ liệu mới cho thấy ,chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng hơn mạnh trong tháng 9, củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản lần thứ tư liên tiếp 0,75% vào tháng tới.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn dự báo của Dow Jones tăng 0,3%. Tính chung trong 12 tháng, lạm phát tổng thể tăng 8,2% trong tháng 9, thấp hơn mức đỉnh 9% hồi tháng 6, nhưng vẫn duy trì mức cao nhất 40 năm.
Trong khi đó, lạm phát lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0,4% của Dow Jones. So với cùng kỳ, lạm phát lõi tăng 6,6%, mức cao nhất trong 40 năm.
Nhà đầu tư có thể đang đặt cược rằng báo cáo lạm phát “nóng” hơn dự báo có nghĩa là lạm phát sẽ sớm đạt đỉnh.
Bà Liz Ann Sonders, Giám đốc chiến lược đầu tư tại tập đoàn tài chính Charles Schwab, nhận định rằng có thể tháng 9 có thể là thời điểm lạm phát tăng mạnh nhất và sẽ bắt đầu giảm tốc. Tuy nhiên, bà Sonders cho rằng thị trường cổ phiếu vẫn tiếp tục biến động khi nhà đầu tư đón nhận thêm những số liệu về lạm phát và kết quả kinh doanh quý III/2022.
Lạm phát cao liên tục có nghĩa là Fed sẽ quyết liệt hơn đối với việc nâng lãi suất trong tương lai và giữ lãi suất ở mức cao cho đến khi lạm phát hạ nhiệt.