Đêm 28/2 tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall cũng quay đầu đi xuống vào cuối phiên sau khi tăng mạnh vào đầu phiên.
Chỉ trong vòng 10 phút giao dịch cuối cùng, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã chuyển từ xanh ngắt sang màu đỏ khi các cổ phiếu bị nhà đầu tư đổ ra bán tống, trong đó Dow Jones Industrial Average sau khi được đẩy lên 14.149,15 điểm - gần chạm mức cao kỷ lục mọi thời đại 14.164,53 điểm được lập vào ngày 9/10/2007, vào giữa ngày, đã rơi xuống còn 14.054,49 điểm vào lúc đóng cửa phiên, để mất 20,88 điểm, tương đương giảm 0,15% giá trị.
Tương tự, S&P 500 cũng để mất nhẹ 1,31 điểm (-0,09%) xuống 1.514,68 điểm, trong khi Nasdaq Composite lùi 2,07 điểm (-0,07%) xuống 3.160,19 điểm.
Động lực để thúc đẩy Phố Wall tiếp tục đi lên trong phiên này là tốc độ tăng trưởng kinh tế đã được điều chỉnh trong quý IV năm 2012 của Mỹ là 0,1%, thay cho dự đoán ban đầu là suy giảm 0,1%, song mức tăng này vẫn thấp hơn dự kiến của giới chuyên gia.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Mặc dù mức điều chỉnh này vẫn thấp hơn dự báo của giới phân tích thị trường, song đó vẫn là một thông tin đáng khích lệ, cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hồi phục. Một tin tức khác cũng đáng chú ý là tỷ lệ người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua đã giảm 22.000 xuống còn 344.000 người.
Thêm vào đó, kết quả điều tra kinh doanh ISM-Chicago được công bố trong ngày còn cho thấy, chỉ số quản lý sức mua Chicago đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, thêm 1,2 điểm trong tháng 2 vừa kết thúc lên mức 56,8 điểm. Đây là mức điểm cao nhất của chỉ số này kể từ tháng 3 năm ngoái cho tới nay.
Tuy nhiên, những bản tin kinh tế lạc quan đã không đủ níu giữ các chỉ số chính ở mức cao, nhất là trong bối cảnh chương trình cắt giảm chi tiêu tự động của Chính phủ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày hôm nay (1/3). Đây là vấn đề lớn mà các nhà đầu tư không thể xem nhẹ.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường trong phiên giao dịch 28/2 chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức trung bình hàng ngày trong năm 2013, với khoảng 6,81 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq. Tỷ lệ cổ phiếu tăng/ giảm điểm ở sàn New York là 1.518/ 1.446.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, tại thị trường châu Âu, chứng khoán các sàn chính trong khu vực vẫn tiếp tục nối dài đà tăng điểm khi các nhà đầu tư phớt lờ mức tăng trưởng không được như kỳ vọng của nền kinh tế Mỹ trong quý IV năm 2013 và tập trung hơn vào những số liệu kinh tế tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Ngoài ra, số liệu chính thức tại Đức cho biết thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này trong tháng 2 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua, cũng khích lệ tâm lý các nhà đầu tư.
Đóng cửa phiên 28/2, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều tăng điểm, trong đó FTSE 100 của Anh tăng 0,55% lên 6.360,81 điểm; DAX 30 của Đức tiến thêm 0,86% lên 7.741,73 điểm và CAC 40 của Pháp nhảy 0,85% lên 3.723 điểm.
Sau khi khởi sắc tưng bừng cùng các thị trường chứng khoán toàn cầu trong hai phiên trước, chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3 đã đảo chiều đi xuống, một phần do những thông tin kinh tế không mấy tích cực từ nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc.
Theo số liệu công bố vào đầu phiên này của Ủy ban Thống kê quốc gia và Liên đoàn Bán buôn và Hậu cần Trung Quốc, hoạt động công nghiệp của Trung Quốc đã yếu đi trong tháng 2 khi chỉ số quản lý sức mua (PMI) tụt xuống mức 50,1 so với mức 50,4 của tháng 1. Sự sụt giảm này lại làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế số 2 thế giới.
Hoạt động bán chốt lời sau hai phiên tăng mạnh cùng màu đỏ vào cuối phiên hôm trước trên sàn chứng khoán Phố Wall cũng góp phần kéo các chỉ số chính của chứng khoán châu Á quay đầu đi xuống ngay từ những phút giao dịch đầu tiên của phiên cuối tuần, trong đó Shanghai Composite của Thượng Hải, Hang Seng của Hong Kong và Nikkei 225 của Nhật Bản đồng loạt giảm điểm, với các mức giảm lần lượt là 0,18%; 0,27% và 0,82%.