Dù phục hồi vào phiên cuối tuần, song xu hướng trồi sụt thất thường diễn ra trong suốt cả tuần qua và đà bán tháo mạnh ngày 17/5 đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận một tuần mất điểm.
Các nhà giao dịch tại thị trường chứng khoán Mỹ. |
Sang phiên ngày 16/5, các chỉ số chính đã rung lắc do tác động bởi thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ thông tin tình báo tuyệt mật cho Nga về cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Tuy Nhà Trắng bác bỏ cáo buộc trên, nhưng vụ việc khiến giới đầu tư tỏ ra nghi ngại Tổng thống Trump sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch chính sách của mình. Mặc dù vậy, sự leo dốc mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn giúp Nasdaq chạm mức cao kỷ lục mới trong phiên thứ 2 liên tiếp. Trong phiên giao dịch ngày tiếp theo, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016, do xuất hiện thêm những thông tin bất lợi với Tổng thống Donald Trump.
Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần (18-19/5), sắc xanh đã trở lại thị trường chứng khoán Mỹ, song biên độ tăng không đủ để bù đắp cho đà sụt giảm mạnh của những phiên trước đó.
Cổ phiếu phục hồi nhưng trượt khỏi mức tốt nhất, sau khi một báo cáo được đăng tải chi tiết trên tờ New York Times về cuộc gặp mặt gần đây của Tổng thống Trump với Ngoại trưởng Nga tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng.
Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 141,82 điểm (0,7%), lên 20.804,84 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 16,01 điểm (0,7%), lên 2.381,73 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tiến 28,57 điểm (0,5%), lên 6.083,7 điểm. Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều mất 0,4%, còn chỉ số Nasdaq hạ 0,6%.
Dự kiến, cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại Vienna (Áo) vào ngày 25/5 tới và các thông tin liên quan tới lộ trình điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trước cuộc họp chính sách vào tháng sau sẽ thu hút sự quan tâm của thị trường trong tuần tới.