Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán thế giới trượt dốc sau khi Mỹ cảnh báo áp thêm thuế với hàng Trung Quốc

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ rời khỏi mức cao kỷ lục trong phiên 16/7 do các nhà đầu tư lo ngại xung đột thương mại Mỹ - Trung còn kéo dài.

Chứng khoán châu Á giảm điểm do sự không chắc chắn về thương mại
Các cổ phiếu trên thị trường châu Á phần lớn trượt dốc trong phiên giao dịch ngày 17/7 sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Trump cho biết, 2 nước còn “cả chặng đường dài để đi” trên lĩnh vực thương mại, Mỹ có thể áp thuế bổ sung đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc “nếu muốn”. Điều này cho thấy, cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai cường quốc kinh tế thế giới đang đe dọa tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cũng như niềm tin kinh doanh toàn cầu.
Phần lớn các chỉ số chứng khoán tại châu Á đều đi xuống trong ngày 17/7.
Trước những tác động trên, tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai đi ngang, còn chỉ số Thâm Quyến tăng 0,33%. Chỉ số tổng hợp Thâm Quyến cộng 0,229%. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của sàn Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 0,38%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,48% trong phiên giao dịch này, với cổ phiếu của tập đoàn Softbank giảm hơn 3,5%, trong khi chỉ số Topix hạ 0,16%.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số KOSOI lao dốc hơn 1,07%, vì cổ phiếu của nhà sản xuất chip SK Hynix giảm hơn 1,5%. Chỉ số ASX 200 của Australia lại tăng 0,51%.
Chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản cũng mất 0,21%.
Ngoài ra, cổ phiếu châu Á cũng chịu tác động từ số liệu công bố ngày 17/7 cho thấy xuất khẩu của Singapore trong tháng 6 giảm 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo trước đó chỉ khoảng 9,9% của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò ý kiến ​​của Reuters. Số liệu này ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2013, thời điểm xuất khẩu của nước này giảm 33,2%, theo dữ liệu của Refinitiv Eikon.
Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell hôm 16/7 đã nhắc lại lời cam kết rằng ngân hàng trung ương này sẽ “hành động phù hợp” để duy trì tăng trưởng kinh tế. Bình luận của ông Powell được đưa ra trong bối cảnh kỳ vọng rằng FED có thể cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào cuối tháng này
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng lên 97,341 điểm, sau khi giảm còn 96,9 trong phiên trước đó. 
Phố Wall lao dốc sau bình luận của ông Trump về cuộc chiến thương mại
Tâm lý nhà đầu tư trên sàn Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 16/7 bị ảnh hưởng bởi những bình luận mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra.
Theo đó, chứng khoán Mỹ giảm nhẹ, rút khỏi mức cao kỷ lục trong phiên sau khi Tổng thống Trump tỏ ra nghi ngờ về tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Trump hôm 16/7 tuyên bố Mỹ vẫn còn "một chặng đường dài" để kết thúc thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng có thể áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 325 tỷ USD nếu cần thiết.
Phát biểu ở một cuộc họp nội các tại Nhà Trắng, ông Trump nói rằng Trung Quốc thông báo sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và chính quyền Washington đang theo dõi để xem liệu Bắc Kinh có thực hiện đúng theo cam kết không.
Chứng khoán Mỹ rời khỏi mức cao kỷ lục trong phiên 16/7.
Những nhận định của ông Trump được đưa ra sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý không leo thang căng thẳng thương mại trong một nỗ lực tái khởi động các vòng đàm phán. Trung Quốc và Mỹ đều áp thuế trị giá hàng tỷ USD đối với hàng hóa của nhau kể từ tháng 7 năm trước. Những nhận định từ ông Trump cũng đưa ra khi mùa báo cáo lợi nhuận của các công ty Mỹ khởi động.
“Nhìn vào mùa báo cáo lợi nhuận này, vấn đề quan trọng nhất là, liệu sự không chắc chắn về thương mại có khiến các công ty thu hẹp chi tiêu và đầu tư đủ để bắt đầu cân nhắc về lợi nhuận hay không?”, Tom Essaye - nhà sáng lập Sevens Report, nhận định.
Goldman Sachs đã công bố kết quả quý II/2019 tốt hơn dự báo, cổ phiếu này đã tăng 1,9% trong phiên giao dịch.
Kết quả lợi nhuận của J.P. Morgan Chase cũng vượt qua kỳ vọng và cổ phiếu J.P. Morgan Chase nhích 1,1%. Tuy nhiên, cổ phiếu Johnson & Johnson giảm 1,6% dù báo cáo lợi nhuận vọt 42% trong quý trước.
Cho đến nay, chỉ có hơn 5% số công ty thuộc S&P 500 báo cáo lợi nhuận quý II,  theo dữ liệu từ FactSet. Trong số các công ty này, có đến hơn 85% công ty có lợi nhuận tốt hơn dự báo.
Nhà đầu tư sẽ chào đón khởi đầu mạnh mẽ cho mùa báo cáo lợi nhuận vì triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp vẫn khá ảm đạm. Các nhà phân tích dự báo lợi nhuận các công ty thuộc S&P 500 giảm 3% trong quý II, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/7, chỉ số Dow Jones hạ 23,53 điểm (tương đương 0,1%) xuống 27.335,63 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số S&P 500 giảm 0,3% xuống 3.004,04 điểm và cũng kết thúc chuỗi 5 phiên tăng liền. Chỉ số Nasdaq Composite sụt  0,4% còn 8.222,80 điểm. Cả 3 chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục trong phiên trước đó./.