Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Việt năm 2020: Tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2020 ngày 2/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng kỳ vọng, Luật Chứng khoán mới khi đi vào thực thi sẽ giúp cải thiện chất lượng hàng hóa, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả bền vững. Buổi lễ có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và các thành viên tham gia thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Doãn Toản tham gia nghi lễ đánh cồng đầu năm. Ảnh: Nha Trang
Thị trường cổ phiếu chiếm 79,2% GDP
Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2019, thị trường cổ phiếu tăng 7,5% về chỉ số, 10,6% về quy mô vốn hóa và chiếm 79,2% GDP, huy động vốn cổ phiếu và trái phiếu đều tăng trưởng đột phá. Trong bối cảnh tình hình tài chính toàn cầu, xu hướng nhà đầu tư, vốn FII vào ròng 2,7 tỷ USD, cộng đồng nhà đầu tư ngoại với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tin tưởng, Luật Chứng khoán mới khi đi vào thực thi sẽ giúp cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao năng lực, chất lượng tham gia thị trường chứng khoán (TTCK), bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả bền vững.
Năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm đề cao chiến lược đầu tư chọn lọc từ dưới lên. Các công ty có hoạt động kinh doanh gắn liền với tăng trưởng từ tiêu dùng trong nước và đầu tư cơ sở hạ tầng là những công ty mà các nhà đầu tư có thể xem xét. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lợi tức cổ tức cao sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư e ngại rủi ro.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt
Để chứng khoán năm 2020 tiếp tục là kênh huy động và phân bổ vốn hiệu quả cho nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Chứng khoán và các đơn vị liên quan phối hợp với nhau tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tiếp tục triển khai công tác đấu giá hiệu quả, góp phần thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Tiếp tục nghiên cứu giải pháp tăng thanh khoản cho thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cơ quan tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư, nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro.
Nhắm tới những doanh nghiệp tăng trưởng thực chất
Nhận định về TTCK năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, với việc kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, TTCK Việt Nam 2020 sẽ tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng. Các chuyên gia phân tích đánh giá, những kỳ vọng, khó khăn và rủi ro tiềm ẩn đối với TTCK Việt Nam không khác biệt nhiều so với năm 2019, bao gồm kỳ vọng về tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa DNNN, về khả năng thăng hạng của thị trường. Tuy nhiên, kỳ vọng này cũng được nhận định một cách thận trọng là chưa có những bước tiến đáng kể ở các sự kiện trong năm 2020.
Báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2020 của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, rủi ro lớn nhất với chứng khoán Việt năm nay vẫn đến từ diễn biến địa chính trị và bức tranh thương mại toàn cầu, hơn là các vấn đề nội tại trong nước. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể đã “quen” với các kỳ vọng không được hiện thực hóa và với cả các biến động do rủi ro bên ngoài. Tác động về mặt tâm lý thị trường, do vậy sẽ không quá mạnh. Xét về mặt dòng tiền, sẽ khó hy vọng có sự gia nhập của dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi mà sự tăng trưởng khả quan ở các nền kinh tế phát triển khiến các thị trường cận biên trở nên kém hấp dẫn.
Ở chiều tích cực, sự kiên trì của Chính phủ trong việc thực hiện các quyết sách nhằm ổn định vĩ mô và hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước phát triển sẽ có lợi trong dài hạn cho Việt Nam nói chung, các DN nói riêng. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các DN niêm yết sẽ phục hồi về mức hai chữ số sau năm 2019 gần như đi ngang. Chiều ngược lại, dòng tiền đầu tư trong nước phân bổ vào TTCK vẫn sẽ tương đối hạn hẹp do ảnh hưởng từ những quy định nhằm hạn chế dòng vốn vào các kênh đầu tư rủi ro cao như chứng khoán và bất động sản của nhà điều hành.
Trong bối cảnh dòng tiền dành cho kênh chứng khoán sẽ không còn dồi dào như giai đoạn cuối 2016 - đầu 2018, việc đầu tư cũng cần có sự chắt lọc kỹ càng, hướng đến các DN có sự tăng trưởng thực chất từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Mức tăng điểm của VN-Index trong 2020 sẽ vừa phải và theo sát yếu tố cơ bản hơn là do sự thổi phồng về giá. Theo đó, VDSC dự báo VN-Index sẽ dao động trong vùng 950 – 1.120 điểm.