Chứng khoán Việt Nam cuối năm: Động lực tăng đến từ nhóm vốn hóa lớn

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tháng 10 bất ngờ bị rút ròng vốn qua các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, dự báo TTCK Việt Nam tháng 11 và quý 4/2020 nhiều khởi sắc với sự tăng trưởng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tháng 10 phân hóa theo nhóm ngành

Theo SSI, TTCK Việt Nam tiếp tục diễn biến khả quan trong tháng 10 trước 2 yếu tố tích cực Việt Nam có thể trở thành thị trường có tỷ trọng cao nhất trong chỉ số MSCI Frontier Market 100 Index, tăng từ mức hiện tại là 12,53% lên 28,76%. Tháng 10 là tháng cao điểm thị trường hấp thụ thông tin kết quả kinh doanh quý 3/2020 phục hồi đáng kể so với quý 2/2020.

Đà tăng của chỉ số VN-Index được đẩy mạnh trong hơn 3 tuần giao dịch đầu tiên của tháng 10, lên mức cao nhất tháng VN-Index đạt được 961,3 vào ngày 23/10. Nhịp điều chỉnh khá mạnh đã diễn ra trong tuần giao dịch cuối và chỉ số này đóng cửa tháng 10 tại mốc 925,47 điểm, tăng 20,26 điểm tương đương tăng 2,24%, đánh dấu tháng thứ 3 tăng điểm liên tiếp dù tốc độ tăng chậm lại.

Khác với diễn biến đồng thuận trong tháng 9, thị trường đã có sự phân hóa với động lực tăng điểm chính đến từ nhóm VN30 với mức tăng 3,96% của chỉ số. Trong khi đó, chỉ số VNMidcap và VNMidcap chịu sức ép điều chỉnh giảm tương ứng 1,77% và 2,35%.

Tính từ đầu năm, chỉ số VN30 đã lấy lại được tăng trưởng dương 1,53%; chỉ số VNMidcap và VNsmallcap tăng 4,58% và 4,27%. Riêng VN-Index vẫn còn thấp hơn 3,7% so với điểm số ở mức cuối năm 2019 tuy nhiên chỉ số đã phục hồi 40,3% so với mức đáy mốc 659,21 điểm được xác lập vào ngày 24/3/2020.

 Phiên giao dịch ngày 10/11, các chỉ số chứng khoán tiếp tục tăng tốt nhờ nhóm cổ phiếu vố hoá lớn. 
Diễn biến phân hóa của cổ phiếu được ghi nhận theo nhóm ngành. Trong đó, vật liệu xây dựng tăng 9,6%; bất động sản tăng 6,3%; tiêu dùng thiết yếu tăng 5,8%; tiêu dùng không thiết yếu tăng 3% và công nghệ thông tin tăng 2,4%. Đây là 5 nhóm ngành duy trì tăng trưởng dương trong tháng. Cổ phiếu trong các nhóm này đóng góp nhiều điểm số nhất cho VN-Index đều ghi nhận các mức tăng ấn tượng như VIC tăng 16,39%, MSN tăng 53,85%, HPG tăng 15,72%, PNJ tăng 14,12%.
Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu tài chính đã điều chỉnh nhẹ 0,4% do ảnh hưởng từ nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm như: BID giảm 5,64%, TCB giảm 5,53%, VCB giảm 1,31%.

2 cổ phiếu xăng dầu cũng giảm như: GAS giảm 1,26% và POW giảm 8,29% khiến nhóm tiện ích giảm 4,4% mạnh nhất trong các nhóm ngành. Nhóm Công nghiệp cũng giảm 4,2%, trong đó tác động tương tự lên mức này là GEX giảm 19,6% và VJC giảm 3,25%.

Tháng 10 ghi nhận thanh khoản thị trường tiếp tục tăng cao, mặc dù khối ngoại đẩy mạnh bán ròng. Cụ thể, giá trị giao dịch (GTGD) trong tháng 10 trung bình cho cả 3 sàn ghi nhận 9.784 tỷ đồng/ ngày, tăng 22,3% so với tháng 9 và tăng 111% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 10 tháng, GTGD bình quân ngày đạt 6.473 tỷ đồng tăng 27% so với cùng kỳ.

Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vẫn trong xu hướng bán ra, với 22 phiên bán ròng trọn vẹn trên HOSE với tổng GT giảm 7.230 tỷ đồng. Trong đó, giảm 6.534 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là mục tiêu bán ròng của khối ngoại như: MSN giảm 2.944 tỷ đồng, CTG giảm 728 tỷ đồng, VNM giảm 630,9 tỷ đồng, DIG giảm 575,5 tỷ đồng, VRE giảm 412 tỷ đồng, VHM giảm 274 tỷ đồng và BID giảm 196 tỷ đồng. Ngược lại, mã được NĐTNN mua ròng là VCB tăng 153 tỷ đồng, HPG tăng 138 tỷ đồng.

Lũy kế 10 tháng, tổng giá trị bán ròng qua kênh khớp lệnh lên đến 34.103 tỷ đồng, trong đó bán ròng của NĐTNN lên đến 13.128 tỷ đồng. Dòng tiền bị rút khỏi trên TTCK Việt Nam chủ yếu qua các quỹ.

Cụ thể, các quỹ đầu tư cổ phiếu vào thị trường Việt Nam rút ròng 23,7 triệu USD trong tháng 10, ghi nhận tháng rút ròng đầu tiên sau chuỗi 5 tháng liên tiếp có dòng tiền vào. Trong đó, dòng vốn vào các quỹ chủ động bị rút 18,3 triệu USD trong tháng 10. Tổng cộng đã rút 76,3 triệu USD kể từ tháng 3 đến nay.

Nhìn chung, diễn biến dòng tiền toàn cầu hiện vẫn khá tích cực với cổ phiếu, các động thái rút vốn của các quỹ ETF tại Việt Nam trong tháng 10 nằm trong xu hướng chung của khu vực có thể là hoạt động tái cơ cấu, bảo toàn tài sản.

10 cổ phiếu có triển vọng đầu tư 

Sản xuất công nghiệp vẫn trên đà phục hồi, chỉ số IIP tháng 10 tăng 5,4% so với cùng kỳ, gấp đôi mức tăng trưởng của 10 tháng đầu năm là 2,7%.

FDI cho tín hiệu tích cực hơn, sau khi giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9, nâng tổng giá trị FDI đăng ký từ đầu năm lên 17,37 tỷ USD.

Đầu tư công duy trì đà tăng ấn tượng, với mức tăng 42,2% trong tháng 10 và hoàn thành 69,8% kế hoạch năm. Thương mại hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng tích cực trong tháng 10, với mức tăng 9,9% và 10,1% so với cùng kỳ.

Bán lẻ tiếp tục phục hồi tăng 6,12% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ tháng 2. Tính chung 10 tháng tăng trưởng 1,27%.

Lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, chỉ số CPI tháng 10 tăng 0,09% so với tháng trước, giúp CPI 10 tháng tăng 3,71% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh (KQKD) quý 3/2020 phục hồi đáng ghi nhận. Tăng trưởng doang thu thuần (DTT) còn giảm 0,7%; lợi nhuận trước thuế (LNTT) và lợi nhuận sau thuế (LNST) lần lượt ghi nhận giảm 11,8% và 6,8%. Điểm sáng là DTT ở nhóm VN30 đã cho thấy mức tăng trưởng dương 4,5% trở lại.

Dựa trên phạm vi nghiên cứu của SSI Research cho năm 2020 và 2021, ước tính lợi nhuận trung bình của các công ty niêm yết (đại diện 87% vốn hóa) trong năm 2020 có thể giảm 18,8% so với năm 2019.

Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận các DN sẽ phục hồi tăng 22,4% vào năm 2021 - gần về mức của năm 2019.

Trên thị trường quốc tế, phản ứng tích cực của thị trường tài chính toàn cầu cho thấy yếu tố rủi ro liên quan đến bầu cử Mỹ đã không còn quá lớn. Rủi ro lớn nhất với thị trường tài chính hiện tại là diễn biến đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, thông tin kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 từ Pfizer/Biotech cho hiệu quả hơn 90%. Đây là tín hiệu tốt cho TTCK.

SSI khuyến nghị, môi trường lãi suất thấp và điểm sáng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục tác động tích cực đến TTCK trong trung và dài hạn. Kỳ vọng này cũng được củng cố qua diễn biến dòng vốn đầu tư và các chỉ tiêu vĩ mô của Việt Nam trong tháng 10 như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và đầu tư công…bên cạnh đó là tín hiệu tích cực từ FDI so với các tháng trước.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang dần thoát khỏi xu hướng đi ngang sau khi giai đoạn tích lũy để cân bằng cung cầu. Chỉ số đang được hỗ trợ mạnh ở vùng 900-906 điểm và kỳ vọng sẽ phục hồi lại đà tăng hướng lên vùng kháng cự 970-990 điểm.

Với lựa chọn đầu tư trong tháng, SSI khuyến nghị chú ý nhiều hơn đến yếu tố định giá và động lực tăng trưởng kinh doanh từ năm 2021. Một số yếu tố tác động tích cực đến giá cổ phiếu trong 2 tháng cuối năm như cổ tức, chuyển sàn, KQKD có tín hiệu cho thấy sự xoay chiều đáng kể trong quý 4/2020. 10 cổ phiếu có tiềm năng, như: HPG, ACB, CTG, ACV, FPT, MWG, VHC, SZC, DXG và VHM.