Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Việt Nam: “Ông lớn” hắt hơi, thị trường “sổ mũi”

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như thường lệ, việc hàng loạt cổ phiếu Bluechips như CTD, FPT, GAS, HAG, HSG, STB, VJC… giảm hết biên độ đã khiến thị trường chứng khoán phiên 28/5 thiếu lực đỡ, VN-Index lao dốc hơn 32 điểm.

Câu chuyện một cổ phiếu vốn hóa có sức chi phối lớn, dẫn dắt đà tăng, giảm của các chỉ số trên thị trường và giá các cổ phiếu đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà đầu tư.

Cổ phiếu lớn nằm sàn hàng loạt

Phiên 28/5, số mã giảm điểm áp đảo hoàn toàn với 473 mã, trong đó, có 135 mã giảm sàn. Số mã tăng điểm chỉ vỏn vẹn 92 mã, các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường đều "nằm sàn". Nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các mã như BID, CTG, GAS, PVS, PVD, VPB, HDB… đều bị kéo xuống mức giá sàn khiến nhà đầu tư hoảng loạn. Sàn HOSE chỉ có 40 cổ phiếu còn tăng giá, trong khi chỉ có 265 mã giảm (71 mã giảm sàn), HNX cũng chỉ có vỏn vẹn 41 mã tăng nhưng lại có đến 143 mã giảm (36 mã giảm sàn). Trong nhóm vốn hóa lớn duy nhất VIC duy trì được sắc xanh, tăng 3,7% lên 111.000 đồng/CP.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Có thể thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ảnh hưởng nhiều đến diễn biến chung của TTCK. Khi nhóm này lao dốc kéo theo hàng loạt cổ phiếu khác đi xuống. Vì thế, trang tin Bloomberg đã nhận định chứng khoán Việt Nam nên được giữ ở nhóm thị trường cận biên bởi nhiều lý do, trong đó có việc một vài cổ phiếu niêm yết trên sàn có sức chi phối lớn đến thị trường như VHM, VRE, VIC, SAB... Theo đó, với một vài công ty có khả năng "bóp méo" chỉ số, Việt Nam không phải sân chơi cho cho các nhà đầu tư giá trị.

Trước nhận định này, ông Lê Hải Trà - Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, cách tính của VN-Index là một trong những phương pháp xác định chỉ số phổ biến nhất trên thế giới. Với cách tính này, VN-Index sẽ bị ảnh hưởng nhất định từ các cổ phiếu có vốn hóa lớn.

Cơ hội gia tăng tỷ trọng sở hữu cổ phiếu đang bị định giá thấp

Tuy nhiên, ông Trà cho rằng, dù có nhược điểm, cách tính của VN-Index vẫn không thay đổi vì VN-Index là loại chỉ số có giá trị lịch sử và nghiên cứu học thuật trên thị trường. Tới nay rất nhiều chỉ số khác được xây dựng để phục vụ những mục đích khác của sở giao dịch, nhà đầu tư, quỹ đầu tư… Trên trang cá nhân, Chủ tịch HĐQT SSI Nguyễn Duy Hưng cũng cho rằng, với cơ cấu tính chỉ số này đã chỉ ra nhiều hạn chế và cũng không riêng VN-Index các chỉ số khác cũng có những bất cập khác và không thể thỏa mãn toàn bộ yêu cầu của nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Đây thực sự gây khó cho các quỹ đầu tư chỉ số trên TTCK Việt Nam.

Thời gian qua, VN-Index tăng phần lớn do việc tăng giá của những cổ phiếu lớn, nhưng khi các mã cổ phiếu lớn giảm kéo theo VN-Index giảm thì đa số các cổ phiếu khác cũng giảm. Ông Hưng cho rằng đây là lúc các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị có cơ hội gia tăng tỷ trọng sở hữu những cổ phiếu đang bị định giá thấp. “Các nhà đầu tư cá nhân nếu đầu tư lướt sóng dựa vào dự đoán tăng giảm của thị trường vốn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các cổ phiếu lớn có thể tham gia đầu tư tại thị trường phái sinh. Còn khi đầu tư vào cổ phiếu, ngoài dự đoán xu hướng tăng giảm của thị trường, cổ phiếu, thì quan trọng nhất vẫn phải nghiên cứu về công ty, tình hình tài chính... chứ đừng chỉ đầu tư hay tháo chạy bởi những tin đồn ông A kéo lên, bà B đánh xuống, hay quỹ ngoại này mua, quỹ lớn kia chạy... Đây là đầu tư chứng khoán chứ không phải là chơi chứng khoán”- ông Hưng chia sẻ.