KTĐT - Vì kinh tế và hoàn cảnh sống, nhiều gia đình chọn cách chung nhà nhưng riêng cơm. Tuy nhiên, do vẫn sống chung dưới một mái nhà nên những khúc mắc quanh bữa cơm khó có thể nói ra. Những mâu thuẫn nhỏ bị dồn nén có thể sẽ đến lúc nổ tung, gây bất hòa lớn.
Được cho ăn riêng nhưng lần nào “nổi lửa”, Hường cũng phải “ngó” bố mẹ chồng. Vẫn chung một bếp nên nếu mẹ chồng nấu cơm tối muộn, vợ chồng Hường đành phải tự cắm cơm, còn thức ăn thì chạy ra ngoài mua cho nhanh.
Vài tháng ổn định sau cưới, Hường (Hoàng Mai, Hà Nội) được bố mẹ chồng cho phép ăn riêng. Chưa kịp vui vì được tự do, Hường đã không ít lần phải nuốt ấm ức. Cả nhà chung một bếp, một chạn bát và một cái tủ lạnh. Bình thường, buổi sáng mẹ chồng Hường đi chợ, chia làm 2 phần thức ăn. Buổi tối, các cụ tự nấu nướng và ăn trước. Số thức ăn còn lại dành cho vợ chồng Hường, nấu ăn sau. Nhiều lần đi làm về, gian bếp đã chật càng chật hơn vì có đến “hai bà nội trợ” cùng xoay sở.
Chưa hết, nếu có “bày vẽ”, nấu lâu là Hường cũng bị mẹ chồng kêu ca: “Nấu gì lâu thế?”. Mở tủ lạnh ngó nghiêng cũng bị bố chồng ý kiến: “Lấy gì thì lấy nhanh đi”. Thành thử, tuy được ăn riêng nhưng Hường vẫn thấy ngột ngạt và gò bó.
Châu (Long Biên, Hà Nội) hơi khác Hường một chút. Nhà Châu có đến 3 bếp: Bếp tầng trệt của bố mẹ chồng, bếp tầng 2 của vợ chồng Châu, còn tầng 3 là của gia đình chú em chồng. Ngay từ đầu, mẹ chồng Châu đã ra “sắc lệnh”: “Mỗi gia đình tự túc chợ búa, cơm nước. Đồng hồ đo điện, nước cũng đã lắp riêng”.
Mẹ chồng Châu thoải mái, không bao giờ xét nét nên Châu thấy vui vẻ. Chỉ có điều, em dâu rất “tai quái”. Ngày nào đi làm về, ngang qua bếp nhà anh chị, cô em dâu cũng nấn ná rồi háo hức khen món nọ, món kia. Thấy thế, Châu cũng hào phóng: “Em thích thì mang bát đây, chị chia cho một ít”. Tức thì, em dâu thực hành tăm tắp. Vại cà, lọ sấu ngâm, chai tương ớt, dầu ăn, mỳ chính… trong bếp nhà Châu ban đầu còn được cô em dâu hỏi xin tử tế. Sau thành quen, cứ bị em dâu tự tiện lấy khiến Châu ấm ức. Một lần tức không chịu nổi, Châu lớn tiếng nói bóng gió cốt để em dâu tầng trên nghe thấy. Từ đó, hai chị em dâu coi nhau như “kình địch”.
Chung nhà riêng cơm - hòa hợp để sống
Vì kinh tế và hoàn cảnh sống, nhiều gia đình chọn cách chung nhà nhưng riêng cơm. Tuy nhiên, do vẫn sống chung dưới một mái nhà nên những khúc mắc quanh bữa cơm khó có thể nói ra. Những mâu thuẫn nhỏ bị dồn nén có thể sẽ đến lúc nổ tung, gây bất hòa lớn. Vì thế, việc ăn riêng đòi hỏi sự hòa thuận của cả gia đình. Nếu tính toán thiệt hơn, nếu ấm ức vì gò bó và bị lợi dụng, người trong cuộc cần tìm cách giải quyết sao cho vẫn giữ được hòa khí.
Nếu điều kiện tốt thì nên tách bếp nấu, chạn bát và tủ lạnh để thoải mái nhất. Khi ấy, việc riêng mâm mang ý nghĩa tự do nhất. Tất nhiên, tự do ở đây không phải chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Nếu có hôm đột xuất hoặc bố mẹ chồng có thiện chí cắm cơm, nấu cơm hộ thì điều đó rất đáng trân trọng. Cuối tuần hoặc những dịp quan trọng, tổ chức ăn chung sẽ khiến cả nhà vui vẻ.
Để tránh nhà chồng “xâm phạm” tới bếp, cần có chế độ “bảo vệ” ngay từ đầu. Nên bày đặt gọn gàng và có khóa cẩn thận. Như thế sẽ tránh được “xâm nhập” bất hợp pháp; đồng thời, nhận được sự tôn trọng của nhà chồng. Khi có món ngon hoặc muốn san sẻ đồ ăn với nhau thì mọi người cùng tự nguyện và hòa thuận.