* Thông qua 4 Chương trình công tác lớn toàn khóa của Thành ủy
Quan tâm chăm lo đời sống của người nghèo
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy khẳng định, với tinh thần quyết liệt, sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thành phố đã tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên các lĩnh vực công tác. Đặc biệt, là đã kiên trì với nỗ lực cao nhất, thực hiện các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chỉ tiêu kinh tế những tháng cuối năm và cả năm 2011, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh, đặc biệt là tiếp tục thực hiện các giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm chăm lo đời sống của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và ở những vùng xa trung tâm. Đồng thời, chuẩn bị tốt việc tổng kết công tác năm 2011, xây dựng và triển khai kế hoạch năm 2012, bảo đảm sát với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo chuyển biến đồng bộ, tích cực trên tất cả các lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng, gắn với xây dựng hệ thống chính trị Thành phố thực sự trong sạch, vững mạnh. Chủ động rà soát, thực hiện qui hoạch cán bộ của Thành phố từ nay đến năm 2015 và năm 2020. Tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ.
Xây dựng đô thị mới hiện đại, tiêu biểu
Về 4 chương trình công tác lớn của Thành ủy, đồng chí Phạm Quang Nghị cho rằng, các Chương trình được thông qua tại Hội nghị lần này đã bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và các khâu đột phá của Thành phố nhiệm kỳ 2010-2015, được chuẩn bị công phu, với tinh thần đổi mới, thiết thực, vừa kế thừa các chương trình công tác khóa trước, vừa bổ sung, phát triển, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Về chương trình "Đẩy mạnh công tác qui hoạch, xây dựng và quản lý đô thị giai đoạn 2011 - 2015", theo Bí thư Thành ủy, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi phải kiên trì, tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của các cấp, các ngành với một hệ thống giải pháp toàn diện từ cơ chế, chính sách đến bảo đảm nguồn lực tài chính. Đặc biệt là phải tuyên truyền để tạo sự đồng thuận và nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác chấp hành của mỗi người dân Thủ đô mới đem lại kết quả, mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại mới trở thành hiện thực.
Đề nghị các bộ, ngành chung tay cùng Hà Nội Trước đó, Hội nghị đã tập trung thảo luận dự thảo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 - 2010. Các ý kiến đều đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô đạt nhiều kết quả tích cực và tập trung góp ý vào nội dung kiến nghị, đề xuất với T.Ư. Theo đó, đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục ra Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến 2020, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô để trình Quốc hội xem xét, thông qua... |
Trên cơ sở Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn chỉnh đồng bộ các qui hoạch xây dựng, qui hoạch chuyên ngành, qui hoạch chi tiết của các quận, huyện với tinh thần công tác qui hoạch phải đi trước một bước, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong tình hình mới.
Đối với công tác đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, cần nghiên cứu, lựa chọn kỹ từ việc xác định các công trình trọng điểm cho đến công tác chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc đầu tư, xây dựng, bảo đảm đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và xã hội, phấn đấu xây dựng được những đô thị mới hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.
Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh
Nhấn mạnh ý nghĩa của chương trình "Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức", đồng chí Bí thư Thành ủy cho rằng: Phải tập trung cao độ vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa có đủ năng lực, trình độ giải quyết công việc; vừa có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân; đồng thời cũng cần quan tâm đúng mức về mặt chính sách tiền lương, thu nhập để họ yên tâm phục vụ. Gắn CCHC với việc tiếp tục thực hiện: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". CCHC không phải là việc riêng của cơ quan chính quyền nhà nước, mà ở đây cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân
Theo Bí thư Thành ủy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN); thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang là vấn đề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng, tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin và đời sống của toàn xã hội. Trong nhiều trường hợp, nó trở thành một cơ chế không chính thức, tồn tại song hành với hệ thống cơ chế, chính sách chính thức. Có làm tốt vấn đề này mới có thể củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, mới đáp ứng được yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công nhiệm vụ CNH, HĐH Thủ đô và đất nước.
Trong quá trình thực hiện, cần chú ý kết hợp cả xây và chống, trong đó hết sức coi trọng các giải pháp phòng ngừa. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng công khai, minh bạch các qui trình công tác, nhất là ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, như quản lý đất đai, tài chính, quản lý dự án, công tác cán bộ… để ai cũng có thể kiểm tra, giám sát. Phát động và tạo được ý thức tiết kiệm trong toàn xã hội từ việc tiêu dùng cá nhân cho đến sử dụng và quản lý tài sản công.
Bổ sung thêm các giải pháp trong chương trình "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, đây là Chương trình có vị trí hết sức quan trọng, phạm vi bao quát rộng, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Với vị trí Thủ đô, những yêu cầu đặt ra đối với Chương trình này càng vô cùng cần thiết. Kết quả thực hiện Chương trình vừa là mục tiêu, động lực phát triển, vừa góp phần phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội; xây dựng, phát triển nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh; cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, để Thủ đô thực sự là trung tâm lớn về văn hóa của cả nước.
Để các Chương trình sớm đi vào cuộc sống, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu ngay sau Hội nghị, các Ban Chỉ đạo chương trình khẩn trương tiếp thu ý kiến góp ý, bổ sung, hoàn chỉnh và chỉ đạo xây dựng các đề án, kế hoạch để triển khai tổ chức thực hiện các chương trình công tác. Xác định rõ tránh nhiệm của Ban Chỉ đạo, từng thành viên Ban Chỉ đạo trong việc giúp Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình, bảo đảm các chương trình được thực hiện có hiệu quả. Các cấp ủy trực thuộc căn cứ các Chương trình của Thành ủy, rà soát các chương trình công tác của cấp mình, để có sự điều chỉnh, bổ sung và có kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp.