Kinhtedothi - Chiến dịch “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ” do Liên hợp quốc tại Việt Nam và các cơ quan, bộ ngành vừa phát động tổ chức từ 25/11 cho đến 10/12 đã thu hút sự tham gia của khoảng 10.000 người vào 16 sự kiện của chiến dịch.
Các hoạt động trong chiến dịch phòng chống bạo lực với phụ nữ tại Hải Dương. (Ảnh UN Women)
|
Đây là kết quả được đưa ra tại buổi tổng kết chiến dịch hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; và lễ ra mắt mạng lưới quốc gia Phòng chống bạo lực gia đình trong ngày 10/12.
Hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái ngày 25/11, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã phát động Bộ Văn hóa-Thể thao- Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội, Bộ Công an, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức chiến dịch “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ”.
Chiến dịch gồm 16 sự kiện được tổ chức tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bến Tre… Chuỗi các sự kiện này được tổ chức liên tiếp trong 10 ngày với các hoạt động phong phú như: Triển lãm, diễu hành đường phố, đối thoại chính sách, tọa đàm, các cuộc thi…
Trong chiến dịch này, vai trò của nam giới trong phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em đã được nhấn mạnh và là chủ đề chính của các sự kiện.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em không thể thành công nếu không có sự tham gia của nam giới, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Nếu chỉ có phụ nữ thì không thể chấm dứt bạo lực, mà cần phải có sự chung tay của tất cả mọi người trong xã hội”.
Những hoạt động này đã thu hút sự tham gia của cả các nhà lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân. Ban tổ chức chương trình cho biết, các chiến dịch tiếp theo sẽ tổ chức thêm các chuỗi sự kiện theo vùng miền, ưu tiên đầu tư cho các hoạt động tại cơ sở.
Cũng trong buổi tổng kết chiến dịch, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã ra mắt mạng lưới quốc gia Phòng chống bạo lực gia đình.
Nội dung hoạt động của mạng lưới quốc gia trong giai đoạn 2013-2016 sẽ tập trung xây dựng một cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, các tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình tại Việt Nam đến năm 2016.
Mạng lưới sẽ tổ chức họp ít nhất 3 lần/năm để cập nhật, chia sẻ thông tin, kết nối giữa các tổ chức trong nước và quốc tế để can thiệp kịp thời trong phòng chống bạo lực gia đình.