Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình 06 - Ctr/TU của thành ủy Hà Nội: Gỡ nhiều nút thắt giao thông trọng yếu

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình 06 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng như nhiều chương trình, kế hoạch, nghị quyết của HĐND, UBND TP, các cấp ngành chức năng của Hà Nội đã nỗ lực cùng Nhân dân TP đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong cải thiện mạng lưới giao thông vận tải. Rất nhiều nút thắt thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) trên địa bàn TP đã được giải quyết triệt để sau nhiều năm vướng mắc.

Khung hạ tầng giao thông được định hình

Tháng 6/2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 06 - CTr/TU về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại”. Trong đó có mục tiêu rất rõ ràng, quyết liệt đối với lĩnh vực GTVT. Để thực hiện Chương trình 06- CTr/TU, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 29/8/2016; HĐND TP cũng đã có những Nghị quyết: Số 04/2017/NQ-HĐND; Số 07/2019/NQ-HĐND về tăng cường quản lý giao thông và phát triển vận tải công cộng (VTCC).
 Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả TP, Hà Nội đã đạt được những mục tiêu cơ bản, quan trọng trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng GTVT cũng như phát triển hệ thống VTCC. Trong đó nổi bật là 5 tuyến đường giao thông liên vùng kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận, gồm cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Bắc Giang; Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2; Cầu Văn Lang trên tuyến Ba Vì - Việt Trì. Khởi công, đẩy nhanh tiến độ các công trình thuộc danh mục khung hạ tầng giao thông có tính chất cấp bách như: Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; Vành đai 2 trên cao và dưới thấp, Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; cải tạo QL 6; đường trục phát triển phía Nam tỉnh Hà Tây cũ; đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A…
Ngoài ra 6 dự án giao thông trọng điểm đã về đích gồm: Cầu vượt ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; cầu vượt nút giao Cổ Linh; cải tạo nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên; Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long; cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt. Một số dự án hạ tầng giao thông khung quan trọng như: Đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh trì; đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; Nút giao đường Vành đai 3 với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm; đường Tản Lĩnh - Yên Bài; đường gom vào khu công nghiệp Bắc Thường Tín; đường nối từ trường Đại học Mỏ - Địa chất vào khu công nghiệp Nam Thăng Long… cũng đang được chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ để về đích trong năm nay.

Mạng lưới GTVT khu vực nông thôn, ngoại thành cũng được TP đặc biệt quan tâm, đầu tư với 12 công trình thay thế cầu yếu vượt sông. Đặc biệt giai đoạn 2015 - 2020, Hà Nội đã mở mới được 28 tuyến buýt, sản lượng vận chuyển bình quân đạt gần 50 triệu lượt hành khách/năm. Đến nay, mạng lưới xe buýt gồm 127 tuyến đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 446/584 số xã, phường thị trấn đạt 76,4%; 62/71 bệnh viện đạt 87%; 190/283 các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp đạt 100%; 30/30 các khu đô thị đạt 100%; kết nối với 7/9 tỉnh thành lân cận. Hiện các đơn vị liên quan đang hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị đủ các điều kiện để chuẩn bị khởi công trong năm 2020 và những năm tiếp theo các đoạn tuyến còn lại của đường Vành đai: 1; 2,5; 3,5; Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; cầu qua sông Cầu kết nối với Bắc Ninh; 14 công trình cầu yếu; hầm chui đường Vành đai 2,5 với QL1A cũ; cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc; hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3…

Tăng cường hiệu quả công tác quản lý

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Bên cạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng, Hà Nội đã rất thành công trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành giao thông; bước đầu xây dựng một nền tảng giao thông hiện đại, văn minh”. Ông Phan Trường Thành phân tích, nhiều tuyến đường trên địa bàn Thủ đô đã được lắp đặt camera giám sát giao thông, phục vụ xử phạt nguội, giúp tiết kiệm công sức, thời gian, mà vẫn nâng cao hiệu quả công tác tuần tra xử lý. Hay như việc ứng dụng công nghệ tìm kiếm điểm đỗ xe tự động; xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng tại: Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Hoan, bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì… Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội đã có những điều chỉnh rất kịp thời tổ chức, kết cấu hạ tầng giao thông, được Nhân dân đánh giá cao như: Cải tạo, mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Nguyễn Xiển - Phạm Hùng; Vành đai 2 đoạn Cầu Giấy - Ngã Tư Sở; đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (QL6)...

Giai đoạn 2015 - 2020, các đơn vị chức năng đã tổ chức sửa chữa 4.886.332m2 mặt đường, sơn kẻ tổ chức giao thông 1.022.565m2 , thay thế 13.686 biển báo hiệu các loại, lắp đặt 189 nút đèn tín hiệu giao thông, 276 công trình cải tạo, sửa chữa... với kinh phí 5.042.202 triệu đồng. Đã ứng dụng có hiệu quả phần mềm GovOne trong công tác quản lý, duy tu, duy trì 1.206 tuyến đường (dài 2.193,65km), 500 cầu các loại (gồm 437 cầu Trung, 10 cầu vượt nhẹ, 46 cầu bộ hành, 06 cầu lớn), 110 hầm chui các loại (gồm: 38 hầm đi bộ, 07 hầm cơ giới, 65 hầm chui dân sinh), 63,47km đường thủy nội địa, 465 nút đèn tín hiệu giao thông. Đặc biệt đã hoàn thành việc góp phần giảm thiểu UTGT, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

TS về giao thông Đô thị Đặng Minh Tân (trường Đại học GTVT) chia sẻ, việc triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đạt được những kết quả rất quan trọng góp phần giảm áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế UTGT và TNGT trên địa bàn TP; tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh, TP trong khu vực. Đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ chế để thực hiện hình thức hợp tác công tư (PPP) hiện nay còn khá nhiều bất cập; cơ chế chính sách có nhiều thay đổi; khi triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các dự án giao thông. Trong khi đó, nguồn lực ngân sách đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế; vốn vay ODA giảm và khó tiếp cận. Nếu thiếu cơ chế, chính sách đặc thù, việc thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng sâu rộng, nghiêm trọng đến tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Hà Nội. Lĩnh vực GTVT của Thủ đô cũng chịu những ảnh hưởng rất lớn, khiến một số mục tiêu đề ra khó có thể đạt được. Thạc sĩ Phan Trường Thành đánh giá: “Tuy nhiên, trong tổng thể giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã đạt được những thành công cực kỳ quan trọng, có tính chất bản lề, nhằm tạo đà phát triển, hoàn thiện mạng lưới GTVT trong tương lai”.

"Giai đoạn vừa qua, Hà Nội đã rất thành công trong việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa cho hạ tầng giao thông. Duy trì được nguồn lực này, TP sẽ có điều kiện rất tốt để vượt qua khó khăn, đầu tư mạnh mẽ cho mạng lưới GTVT. " - TS Đặng Minh Tân