Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình hành động của Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh, ứng cử viên đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu đến cử tri TP Hà Nội tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh, ứng cử viên đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026, ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 23 (huyện Sóc Sơn).

 
ÔNG PHẠM QUANG THANH
Sinh ngày 22/7/1981

ThS Tài chính - Ngân hàng; Cao cấp lý luận chính trị

Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1. Không ngừng tu dưỡng đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ đại biểu HĐND Thành phố. Thường xuyên gắn kết với cử tri lắng nghe, giải quyết ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân đồng thời tổng hợp, phản ánh các kiến nghị đến các cơ quan chức năng.

2. Huy động sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Kịp thời nắm bắt, phản ánh kiến nghị chính đáng của cử tri huyện Sóc Sơn với các cấp có thẩm quyền để giải quyết triệt để các vấn đề dân sinh bức xúc, đặc biệt là ô nhiễm môi trường trong vùng ảnh hưởng của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

3. Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng thu ngân sách. Giữ vững huyện Nông thôn mới, hướng tới xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Chú trọng công tác quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, tăng cường đầu tư hạ tầng khung; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Phấn đấu năm 2030 huyện Sóc Sơn đạt tiêu chí đô thị loại III.

4. Thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tăng cường nguồn lực cho y tế, chủ động phòng chống dịch bệnh và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

5. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tham nhũng đồng thời tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí.