Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của KTNN cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan kiểm toán đã chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài 2 vụ việc nêu trên, trong danh sách còn có "vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Ban Quản lý dự án Công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn về hành vi để ngoài sổ sách trên 22 tỷ đồng; Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế Bình Dương làm chủ đầu tư trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế thực hiện năm 2017. Vụ còn lại là "vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế, nghiệm thu thanh toán khối lượng xây dựng tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình Thủy Lợi Đắk Ngo (giai đoạn 2, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông.)
Trong năm 2018, Tổng KTNN đã ban hành 6 đề cương hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực mới. Đó là đề cương kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế GTGT năm 2017; kiểm toán quản lý và sử dụng vốn ODA giai đoạn 2015-2017; kiểm toán công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản ngành y tế giai đoạn 2015-2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kiểm toán đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế; kiểm toán về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017.
Trong năm đã đánh giá biểu dương khen thưởng 14 cuộc kiểm toán chất lượng vàng và 8 cuộc kiểm toán có thành tích đột xuất, như cuộc kiểm toán: Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh Bến Thành - Suối Tiên, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông, Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), Chuyên đề hoàn thuế VAT,...
Nhìn lại năm 2018, Phó Tổng KTNN Nguyễn Quang Thành thống kê, kết quả xử lý tài chính đến ngày 31/12/2018 là 89.600 tỷ đồng trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước là 44.466 tỷ đồng (tăng 18,39% so với năm 2017). Qua kiểm toán, cơ quan chức năng đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 115 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí. Về thực hiện kiến nghị kiểm toán, theo báo cáo, đến ngày 31/12/2018, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện hơn 66.415 tỷ đồng, đạt 73,1% tổng số kiến nghị xử lý tài chính.