Trong thực chất, nó lặp lại những gì đã từng xảy ra ở phương Tây từ năm 2005 đến nay. Bắt đầu từ những bức biếm hoạ Thánh Mohamed ở Đan Mạch, rồi chuyện đốt sách Kinh Coran của đạo Hồi ở Mỹ và Afghanistan, mới nhất là bộ phim ở Mỹ. Trong đó, sự xúc phạm tình cảm của người theo đạo Hồi không những không giấu diếm, mà thậm chí còn được chủ ý. Cho nên việc người theo đạo Hồi phản ứng dữ dội và bạo lực là việc có thể thấy được trước.
Chuyện cũ lặp lại, nhưng hệ luỵ của nó lại có phần mới. Cái mới là sự phẫn nộ của người theo đạo Hồi lần này nhằm trực diện vào chính phủ Mỹ và một số nước phương Tây khác cũng như đặc biệt dữ dội và bạo lực ở chính những nơi mà trong thời gian vừa qua, Mỹ và Phương Tây đã đầu tư về chính trị, quân sự và tài chính để hậu thuẫn làn sóng chính biến. Cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của Mỹ và một số nước phương Tây ở Ai Cập, Libya, Sudan, Yemen, Tunesia..... đã trở thành mục tiêu tấn công của người theo đạo Hồi ở các nước đó. Cái chết của Đại sứ Mỹ ở Libya và việc Đại sứ quán của Đức ở Sudan bị tấn công đều là những đỉnh điểm chưa từng thấy về mức độ bạo lực. Mà chắc chắn vòng xoáy bạo lực này sẽ còn tiếp diễn.
Phương Tây dường như chưa rút ra được những bài học cần thiết từ các lần trước và dường như vẫn quá tự tin vào ảnh hưởng đối với những chính thể và xã hội mới hình thành nhờ chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông. Đương nhiên, những lực lượng đối đầu với Mỹ và phương Tây cũng như bộ phận cực đoan trong cộng đồng người theo đạo Hồi được lợi nhiều hơn cả từ những gì đang xảy ra. Một hệ luỵ mới nữa của chuyện đang thời sự nhưng vẫn bản chất cũ là mối quan hệ giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo đã trở nên nhạy cảm về mọi phương diện hơn trước đó rất nhiều. Việc khắc phục những hệ luỵ này không đơn giản chút nào đối với Mỹ và phương Tây vì nó đòi hỏi họ phải thay đổi cách tiếp cận, điều chỉnh chính sách và không ý thức hệ hoá toàn bộ mối quan hệ với thế giới Hồi giáo. Đến nay chưa thấy có dấu hiệu cho thấy Mỹ và phương Tây đã sẵn sàng làm việc ấy.