Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện cười nhạt của sân khấu hài

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày Tết, khán giả lại "khát" hài kịch. Đáp ứng nhu cầu, băng đĩa hài, danh hài đua nhau trình làng. Nhưng xem xong khán giả chỉ có thể cười: Hài kịch sao nhạt thế!

KTĐT - Ngày Tết, khán giả lại "khát" hài kịch. Đáp ứng nhu cầu, băng đĩa hài, danh hài đua nhau trình làng.Nhưng xem xong khán giả chỉ có thể cười: Hài kịch sao nhạt thế!

 

Hài kịch giờ không còn thịnh như hơn 10 năm về trước. Một Minh Vượng cùng những câu chuyện cười hồn nhiên đầy sức cuốn hút, Quốc Anh với màn chọc cười đểu đểu, một Xuân Hinh ngẫu hứng đầy sáng tạo với những vai hề chèo, hay một Đức Khuêxuất thần với những pha nói nhiều… chỉ còn là dư âm phảng phất. Ngày Tết, khán giả lại "khát" hài kịch. Đáp ứng nhu cầu, băng đĩa hài, danh hài đua nhau trình làng.Nhưng xem xong khán giả chỉ có thể cười: Hài kịch sao nhạt thế!

 

Nỗi lòng của người làm nghề

 

Kịch bản hài những năm qua đơn điệu và luôn "nhai đi nhai lại“ một điệp khúc. "Năm nào cũng vậy, mỗi khi sản xuất xong một chương trình hài phục vụ bà con trong dịp Tết, chúng tôi lại phải vật lộn tìm kịch bản cho năm tiếp theo. Có những năm, "bí" quá chúng tôi phải dùng lại những kịch bản của năm trước, và "xoay" kịch bản từ các mối quan hệ cá nhân" - đạo diễn Phạm Đông Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn Thăng Long (Thăng Long - Audio visual), người có nhiều năm làm các sản phẩm hài nhận xét. Để giải bài toán khóvề kịch bản, năm 2009, Thăng Long Audio visual đã đầu tư 60 triệu đồng làm giải thưởng cho cuộc thi viết kịch bản hài. Nhưng tiểu phẩm hài năm đó của họ ra mắt khán giả cũng không khả dĩ là mấy.

 

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VFC) cho biết: "Kịch bản hài vừa thừa lại vừa thiếu, và khó khăn còn mang tính chất vùng miền". Theo đạo diễn này, nhu cầu của khán giả phía Nam có phần đơn giản hơn. Trong khi đó, khán giảphía Bắc tỏ ra kỹ tính, đòi hỏi cười vui nhưng ý tứ phải sâu sắc, nên khâu kịch bản rất khó. Trước đây, để có 52 chương trình "Gặp nhau cuối tuần" mỗi năm, VTV3 phải lựa chọn từ gần 300 kịch bản mà vẫn bị nhạt dần. Hàng năm, các cộng tác viên chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư gửi nhiều kịch bản, nhưng để sử dụng được thì phải sàng lọc, biên tập rất vất vả. Vì thiếu kịch bản hay nên để "nuôi" chương trình "Gặp nhau cuối tuần" suốt 7 năm, ê kíp sản xuất đã gặp phải không ít lời phàn nàn của khán giả. Sau 3 năm tạm dừng "Gặp nhau cuối tuần", VFC cho ra đời phiên bản mới mang tên "Thư giãn cuối tuần". "Hiện nay, kịch bản hay vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng cứ thấy khó mà dừng lại không làm nữa thì sẽ chẳng có gì để nói. Khi đã làm thì phải nghĩ cách để vượt qua những điều ấy. Chúng tôi luôn nỗ lực từng ngày", ông Đỗ Thanh Hải nói thêm.

 

Không có kịch bản hay là nỗi canh cánh kéo dài nhiều năm nay đối với danh hài Xuân Hinh. Sản phẩm hài của Xuân Hinh càng được săn đón và trở thành món quà tinh thần không thể thiếu từ thành phố về nông thôn vào mỗi dịp Tết thì anh lại càng trăn trở làm sao để không đem sự nhàm chán cho khán giả. "Cái thiếu nhất vẫn là một kịch bản hay, rồi sau đó là phải làm mới mình trong mỗi vai diễn. Chưa kể là sức khỏe của mình ngày một khác, nhất là khi tuổi đã chạm đến ngưỡng 50, cảm nhận sự khác biệt rõ rệt lắm, không còn sung sức như trước…", Xuân Hinh tâm sự. Nhưng hàng năm anh vẫn đều đều trình làng sản phẩm hài không chỉ để khán giả nhớ mình, mà để biểu thị sự tôn trọng khán giả. Thay vì để khán giả phải xem những đĩa lậu, Xuân Hinh đầu tư cho các tiểu phẩm, chắc chắn ít nhiều cũng "ăn đứt" băng hình sao chép thiếu chất lượng.

 

Dựa vào "chiêu" nghề

 

Đĩa hài Xuân Hinh những năm 90 của thế kỷ trước, hoặc đĩa hài Xuân Hinh Tết những năm 2000, 2001… với những tiểu phẩm mang tính dân gian liên hệ với đời sống đầy ý nhị, gắn với cuộc sống đời thường đã "đắt như tôm tươi". Để rồi Xuân Hinh được khán giả đặt cho danh hiệu "đệ nhất danh hài đất Bắc". Cùng thời đó, danh hài Quốc Anh liên tiếp là "ngôi sao" nhờ các VCD hài ấn tượng. Hết "Râu quặp" đến "Lên voi", Quốc Anh được nhà nhà hâm mộ. Vẫn là Xuân Hinh đó, vẫn là Quốc Anh đó nhưng ngày nay tiếng cười mang đến cho khán giả đã khác. Một vài năm trở lại đây, hài kịch gần như bão hòa. Xem xong hài kịch khán giả chỉ còn biết cười nhạt.

 

Các chương trình và VCD hài kịch vẫn rầm rộ ra mắt trên truyền hình và các sạp băng đĩa, nở rộ nhất vào mỗi dịp xuân về. Các "ngôi sao" của sân khấu hài một thời như: Hồng Vân, Quốc Anh, Xuân Hinh, Phạm Bằng… không còn dựa được vào các kịch bản hay mà nhờ vào "chiêu" nghề. Tết Tân Mão, có thể "điểm danh" hàng chục sản phẩm hài được tung ra thị trường miền Nam và miền Bắc: Đại gia chân đất, Bắc Nam cùng cười, Sĩ diện, Tết cười, Xuân Hinh 2011… Nhưng theo ông Nguyễn Công Vượng - Giám đốc Hãng phim NCV, đơn vị sản xuất đĩa hài "Bắc Nam cùng cười": "Chúng tôi cố gắng đưa đến cho khán giả một sản phẩm đẳng cấp. Đầu tư lớn về kỹ thuật quay, bối cảnh trên chuyến bay quốc tế và tại nước ngoài, sự xuất hiện của các nghệ sĩ có tiếng. Đó cũng có thể là một trong những biện pháp "chữa cháy" cho tình cảnh thiếu kịch bản hài hay hiện nay".

 

Chung tình trạng khó khăn tìm khán giả, Công ty cổ phần giải trí Đông Đô chọn phương án đổi mới "món ăn" cũ bằng việc mời các nghệ sĩ của sân khấu Phú Nhuận (TPHCM) "Bắc tiến" cho chương trình "Gái ngoan dạy chồng". Ngược lại, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay không ít danh hài phía Bắc tìm đường "Nam tiến". Trung tâm nghe nhìn Hồ Gươm - đơn vị hơn 10 năm có kinh nghiệm sản xuất và phát hành băng đĩa hài - cũng chỉ biết tìm kiếm khán giả bằng cách phá bỏ thời gian phát hành truyền thống, tìm khoảng trống phát hành để khỏi "ế" đĩa.

 

Các chương trình hài kịch vẫn đều đặn trình làng nhưng lại thiếu những tiểu phẩm hay. Chưa biết đến bao giờ sân khấu hài mới lại khởi sắc. Chỉ mong muốn với những nỗ lực không ngừng của các nhà sản xuất, của nghệ sĩkhông ít thì nhiều cũng có sản phẩm để lại dấu ấn. Để sau những giờ phút lao động nhọc nhằn, sau mâm cơm cỗ tất niên, khán giả có thể tìm được một vài tiếng cười bổ ích.