Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm thúc đẩy nền kinh tế số, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đang đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Cụ thể, trong năm 2022, chương trình sẽ tập trung vào 3 gói chính. Gói thứ nhất là hỗ trợ bắt đầu chuyển đổi số cho có quy mô nhỏ, những doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số, ngân sách nhà nước dành một phần kinh phí từ 20 - 50 triệu đồng/doanh nghiệp/năm. Gói thứ 2 là tăng tốc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với các đối tượng doanh nghiệp vừa. Gói thứ 3 là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
 Chuyển đổi số để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, khi triển khai các gói hỗ trợ rất cần sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp. Đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) thông tin, chuyển đổi số của doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều rào cản, khó khăn khi chi phí đầu tư cao, hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại kém phát triển, rủi ro an ninh mạng, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế… khiến doanh nghiệp ngại đổi mới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để thực hiện chuyển đổi số bởi tỷ lệ các doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng ngang bằng với một số nước trong khu vực. Tuy vậy, môi trường kinh tế số của Việt Nam vẫn còn hạn chế như tỷ lệ giao dịch kỹ thuât số của Việt Nam chỉ đạt 22%; trong khi đó, ở Indonesia là 34% và Thái Lan là 62%. Tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên Internet của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ đạt 10%) so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia.
Trong 2 năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới tuy gây thiệt hại tới nhiều ngành kinh tế nhưng cũng là cơ hội để kinh tế số phát triển. Bởi việc chuyển đổi số sẽ mang đến các cơ hội cho doanh nghiệp như cơ hội về sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng; sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của đại dịch sẽ khiến giao dịch số tăng mạnh; sự sẵn sàng của các nền tảng công nghệ và các nhà cung cấp trên thị trường với 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, doanh thu là 135 tỷ USD, tăng trưởng 10% để cho doanh nghiệp lựa chọn phương thức chuyển đổi số phù hợp.
Qua khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn được hỗ trợ về nâng cao năng lực trong chuyển đổi số để tiếp cận thị trường như tiếp thị, kênh phân phối, bán hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và thanh toán điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong được tạo cầu nối với thị trường cung cấp giải pháp chuyển đổi số phù hợp; kết nối doanh nghiệp, nhà cung cấp và ngân hàng, quỹ, nhà đầu tư để có giải pháp tài chính cho các dự án chuyển đổi số.
Đặc biệt, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp về môi trường kinh doanh số, thực hiện rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan như bảo mật dữ liệu, giao dịch điện tử… Nắm bắt được xu hướng này, ngay từ đầu năm 2021, Bộ KH&ĐT đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 nhằm mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp.