Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu hàng hóa: Doanh nghiệp đừng ngại thay đổi

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi số không chỉ giúp DN vượt khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà còn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực.

Nền tảng số giúp tiếp cận thị trường hiệu quả
Chia sẻ tại diễn đàn “Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA” do Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp tổ chức ngày 28/7, nhiều chuyên gia nhận định: Lợi ích to lớn của chuyển đổi số là giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo đó, đáng chú ý nhất về chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu hàng hóa là tổ chức kết nối, quảng bá sản phẩm, thúc đẩy giao thương trực tuyến.
Nhằm hỗ trợ DN nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giao lưu thương mại, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức hàng chục hội nghị giao thương trực tuyến để “chắp mối” cho các DN xuất nhập khẩu Việt Nam với các đối tác, DN các nước bạn. Tại các phiên giao thương, DN hai bên đã gặp gỡ, trao đổi trực tuyến thông tin thị trường, sản phẩm. Qua đó, DN Việt tìm kiếm được các cơ hội hợp tác cũng như ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng hóa.
 Sản xuất linh kiện tại Nhà máy điện Á Châu, Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải
Theo tính toán của Bộ Công Thương, khi Hiệp định EVFTA được thực thi, DN Việt sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này. Do đó, nếu DN đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ có cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu.
Như vậy, vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các DN Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây.
Đáng chú ý, trong Hiệp định EVFTA, cả Việt Nam và EU đều đưa ra những chỉ dẫn địa lý như một tài sản quý giá cần được bảo vệ. Đây chính là các thương hiệu có danh tiếng của mỗi bên đã được thế giới biết đến. Dẫn chứng cụ thể về tầm quan trọng chuyển đổi số khi thực thi EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, trên thực tế, những chỉ dẫn địa lý của EU như rượu vang Bordeaux (Pháp), pho mát Mozzarella (Italia) là những thương hiệu đã nổi tiếng lâu đời. Trong khi đó, những chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vẫn còn rất mờ nhạt đối với người tiêu dùng ở các quốc gia thuộc khối EU.
“Bằng cách tận dụng quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là các trào lưu mạng xã hội, các chỉ dẫn địa lý này có thể tới được với người tiêu dùng EU nhanh chóng và hiệu quả hơn" - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.
Cần hành lang pháp lý
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu là quyết tâm chính trị, vào thể chế quốc gia. Do đó, muốn chuyển đổi số, Chính phủ cần phải tạo ra hệ thống thể chế hiện đại với các quy định pháp luật phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cung ứng nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số.
Về phía DN, phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, tư duy “ngại thay đổi” đang là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của DN. Ở thời điểm này, không ít DN vẫn rất thờ ơ với kỹ thuật số, thậm chí coi chuyển đổi số là chi phí phải gánh chịu chứ không phải khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, các DN cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về EVFTA và các xu hướng, mô hình chuyển đổi số phù hợp. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của EVFTA mà của cả thị trường EU. Nhằm hỗ trợ các DN đẩy mạnh chuyển đổi số, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng Thương mại điện tử trực tuyến.
Ngoài ra, Bộ cũng đang khẩn trương hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết. Cùng với đó, tăng cường đối thoại, trao đổi với cộng đồng DN nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại Diễn đàn, Bộ Công Thương đã khai trương trình: "Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN" tại địa chỉ: www.ECVN.com. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN sẽ tận dụng cơ hội của EVFTA nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giao thương DN khối EU và Việt Nam. Đặc biệt, chú trọng quảng bá, nâng cao thương hiệu, phát triển các chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng như lợi thế của Việt Nam sang EU.