KTĐT - Việc đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn trong những năm qua đã góp phần không nhỏ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhưng, cùng với đó, là vấn đề gia tăng ô nhiễm môi trường.
Báo động mức độ ô nhiễm
Có thể nói, hầu hết các khu, cụm công nghiệp chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện ngay trong đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST) - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội về: "Đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp chất thải cho các cụm công nghiệp tập trung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Hà Nội" do TS.Vũ Văn Mạnh làm chủ nhiệm.
Với mục tiêu đánh giá thực trạng môi trường của các cụm công nghiệp vừa và nhỏ mới xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội sau khi có Luật Bảo vệ môi trường (1993), các chuyên gia đã đến rất nhiều cơ sở sản xuất tại 27 khu, cụm công nghiệp tiến hành phân tích các mẫu nước thải, mẫu không khí cũng như kết quả đo đạc các thông số vi khí hậu, như Minh Khai - Vĩnh Tuy, Trương Định - Đuôi Cá, Văn Điển - Pháp Vân… Kết quả cho thấy, có tới 29/238 cơ sở bị ô nhiễm bụi (trong đó 6 cơ sở cơ khí); 58/329 có sở bị ô nhiễm hơi khí (trong đó 28 cơ sở cơ khí, dệt và may, da giầy); 58/316 cơ sở bị ô nhiễm tiếng ồn (trong đó có 24 cơ sở cơ khí). Nước thải tại một số doanh nghiệp cơ khí, thực phẩm, dệt nhuộm, hóa chất về hàm lượng các chất BOD, COD, SO2 đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Ngành có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nhất là dệt nhuộm và chế biến thực phẩm.
Theo các chuyên gia cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp trình độ công nghệ và kỹ thuật sản xuất hạn chế, vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường không đáng kể. Các chủ đầu tư hầu như thiếu quan tâm tới việc áp dụng những giải pháp công nghệ xử lý môi trường thích hợp và xử lý chất thải theo kiểu "tùy tiện", dẫn đến hậu quả ô nhiễm môi trường khá nặng nề cho các khu vực dân cư xung quanh. Đặc biệt là sự ô nhiễm bởi các chất thải nguy hại và các kim loại nặng có trong nước thải công nghiệp đang ở mức báo động.
Chuyển đổi mô hình
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm trên, cũng như nâng cao công tác bảo vệ môi trường theo định hướng chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, các chuyên gia cho rằng, chủ các cơ sở sản xuất, công ty, xí nghiệp cần thay đổi tư duy cũ thay bằng lấy hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; các khu, cụm công nghiệp tiếp tục cải tiến quy trình, công nghệ xử lý nguồn thải gây ô nhiễm. Theo các chuyên gia của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, trước hết, tất cả các doanh nghiệp có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung, trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của khu, cụm công nghiệp. Trường hợp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì từng doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài. Riêng chất thải rắn, các khu, cụm công nghiệp phải bố trí điểm lưu giữ tạm thời. Tất cả các doanh nghiệp có phát sinh chất thải nguy hại phải có hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để thu gom, xử lý đúng cách.
Để phát triển bền vững, về lâu dài, cần khẩn trương nghiên cứu việc chuyển đổi các khu, cụm công nghiệp hiện nay thành các khu công nghiệp thân thiện môi trường, tiến tới xây dựng thành khu công nghiệp sinh thái, giảm thiểu nguồn thải, sử dụng hợp lý tài nguyên và năng lượng…