- Những hệ lụy từ các đợt dịch bệnh ảnh hưởng đến Đà Nẵng khá sâu sắc, đến nay địa phương vẫn phải phong tỏa để hạn chế lây lan dịch Covid-19. Vậy, liệu cơ hội phục hồi kinh tế của Đà Nẵng sẽ như thế nào, Đà Nẵng nên có những động thái nào để chuẩn bị cho cơ hội đó?
PGS-TS Trần Đình Thiên: Thảm họa Covid-19 kéo dài từ năm 2020, với đặc trưng ứng phó là “đóng cửa xã hội, chia cắt lưu thông và đứt chuỗi cung ứng”, đã làm cho Đà Nẵng có những sắc thái và mức độ trầm trọng khác thường. Năm 2020, GRDP Đà Nẵng tăng trưởng “âm”, một “kỷ lục” đau thương hiếm thấy. Sang năm 2021, TP lại phải chịu 2 đợt bùng nổ dịch còn gay gắt hơn, dẫn đến tình trạng cộng hưởng suy thoái.
Tuy nhiên, nhờ nỗ lực vận động, Đà Nẵng đã cố gắng “trụ vững”, với GRDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5% so cùng kỳ năm 2020. Địa phương đã chứng tỏ được giải pháp phòng chống dịch hiệu quả, tạo niềm tin quan trọng cho một “điểm đến đáng sống” trong thời buổi nhiều rủi ro hiện nay.
Mức độ phủ rộng tiêm chủng vaccine, khả năng điều trị bệnh dịch tăng, áp lực nối chuỗi kinh tế mạnh dần đang thúc đẩy quá trình mở cửa và giao thương trên phạm vi toàn cầu và trong nền kinh tế. Việt Nam đang mở lại cánh cửa kết nối kinh tế cho cả nước cũng như Đà Nẵng. Đặc biệt việc thử nghiệm mở cửa du lịch quốc tế ở Phú Quốc mới đây đang tạo cú hích quan trọng cho quá trình mở cửa du lịch quốc gia, dễ dàng lan sang các địa chỉ du lịch như Đà Nẵng…
Theo đó, Đà Nẵng cần tích cực chuẩn bị các điều kiện và năng lực để sẵn sàng nhập cuộc. Điều này xem ra tương ứng với tính toán của Đà Nẵng, địa phương đã chuẩn bị những điều chỉnh cơ cấu lớn, hướng tới một trung tâm kinh tế - công nghệ cao, dịch vụ hiện đại dựa trên nền tảng kinh tế số - kết nối toàn cầu. Cơ cấu này không chỉ giúp thành phố tránh được rủi ro “đứt chuỗi” truyền thống mà còn vươn tới một đẳng cấp phát triển cao hơn.
- Cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng sau 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh đã suy kiệt nghiêm trọng. Những mảng dịch vụ lợi thế của Đà Nẵng là du lịch, bất động sản, thương mại… đều bị đình trệ. Các doanh nghiệp mong chờ sự quan tâm hỗ trợ, từ các nhà làm chính sách. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
PGS-TS Trần Đình Thiên: Tôi nhận thấy thực lực kinh tế khối doanh nghiệp Việt đang bị suy giảm mạnh. Với đa số “xuất thân” từ quy mô nhỏ và nhỏ li ti, bị “quăng quật” trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, nhiều hơn thế bị “suy kiệt”, rất khó hình dung lực lượng này sẽ đứng dậy thế nào trong thời gian tới. Đà Nẵng, với cơ cấu doanh nghiệp dịch vụ, du lịch gia tăng thời gian qua, sẽ là nhóm “chịu trận” đầu tiên, với những hậu quả nặng nề, cần phải tính đúng giải pháp để vượt qua.
Phải thấy rằng, cho đến nay, Chính phủ đã vận dụng nhiều giải pháp chia sẻ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, như tiêm vaccine cho người lao động, ngăn ngừa dịch ở các khu kinh tế... để bảo vệ sản xuất kinh doanh; giảm thuế, lãi suất giúp hạ chi phí và áp lực tài chính; tháo gỡ ách tắc lưu thông hàng hóa; hỗ trợ dòng tiền, tiếp cận vốn. Ở chính quyền Đà Nẵng, như tôi biết, cũng đã nỗ lực “đồng hành” cùng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề gay gắt chưa thể giải quyết kịp thời, đúng cách và phù hợp. Những yếu kém của hệ thống quản lý, quản trị, điều hành phát triển quốc gia đang bộc lộ rất rõ. Trong hội nghị của Liên Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật vừa rồi, Thủ tướng đã phải nhấn mạnh đến khái niệm “quản trị quá trình chuyển đổi” như là vấn đề then chốt của quản trị quốc gia từ đợt chống dịch này
Hiện nay, doanh nghiệp Việt đang rất yếu. Họ cần rất nhiều sự hỗ trợ để có thể phục hồi và vươn dậy khi “bình thường mới”. Vấn đề là nguồn lực doanh nghiệp kiệt quệ và dư địa chính sách ngày càng hẹp. Cho nên, cùng với những giải pháp hỗ trợ giảm chi phí, giảm thủ tục, cần chú trọng cách tiếp cận “hỗ trợ ưu tiên” để giúp doanh nghiệp lan tỏa khả năng phục hồi nhanh, là rất cần thiết.
Về vấn đề này, trước hết, các ngành và địa phương cần tích cực triển khai Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch. Cần chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, và thử nghiệm mở thêm những cánh cửa hoạt động, mới có thể tạo cơ hội cho những “tọa độ phòng chống dịch tốt” như Đà Nẵng.
- Riêng về mảng du lịch, chính quyền Đà Nẵng đang lên kế hoạch mở lại cửa giao lưu, đón du khách ngay sau khi dịch bệnh giảm cấp. Đa số doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đều mong đợi động thái này, dù vẫn lo dịch bệnh có thể uy hiếp trở lại. Ông có lời khuyên nào để Đà Nẵng thực sự có cơ hội kích hoạt lại du lịch địa phương?
PGS-TS Trần Đình Thiên: Có hai hướng lớn mà Đà Nẵng cần tích cực triển khai trong giai đoạn tới. Một là tích cực chuẩn bị mở cửa đón khách trở lại. Hai là thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu, xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm Công nghiệp – Công nghệ cao, Tổ hợp Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ hiện đại tầm cỡ quốc tế.
Quan trọng trước mắt phải là mở lại cửa TP trở lại, để các hoạt động đời sống nhanh chóng bình thường. Cá nhân tôi thấy nổi lên một số vấn đề, cần Đà Nẵng tập trung xử lý.
Một, nên thử nghiệm mở cửa du lịch quốc tế thành công.
Hai, an toàn cho Đà Nẵng trước dịch bệnh, qua việc ưu tiên tiêm chủng 2 mũi vaccine sớm cho dân cư; tổ chức kiểm soát y tế bên ngoài vào, và định vị hệ thống y tế xử lý mạnh.
Ba, chính quyền tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phục hồi, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch – dịch vụ.
Những vấn đề này, thật sự không dễ, nhưng là những việc phải làm.
Xin cảm ơn ông đã trao đổi!