Kinhtedothi - Cuộc chiến tranh giải phóng đất nước đã qua đi 40 năm, trong cuộc chiến với nhiều chiến công ấy có những chiến công chưa từng được nhắc tới. Trong đó có những chiến công thầm lặng của một người lính biệt động Sài Gòn, chiến công lấy được tấm bản đồ hệ thống cống thoát nước ngầm của Sài Gòn trước mắt kẻ thù rồi từ đó những trận đánh lớn giành thắng lợi nhờ tấm bản đồ này.
Vẽ tấm bản đồ từ trí nhớ
Chiều Sài Gòn những ngày tháng Tư lịch sử, trong ngôi nhà nhỏ trên đường Hà Huy Giáp (quận 12, TP Hồ Chí Minh), một cụ ông ngồi trước hiên nhà đăm chiêu nhìn vào tấm bản đồ đã ngả màu vì dấu ấn thời gian. Đó là ông Nguyễn Văn Giêng (sinh năm 1930), một cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong vai kỹ sư cầu cống cho một công ty của Pháp.
Hỏi chuyện về tấm bản đồ năm ấy, ông Giêng nhớ lại tới từng chi tiết, ông cho biết: “Hồi đó, tôi học nghề cấp thoát nước ở Ba Son trong trường Cao đẳng chuyên viên cấp thoát nước do Pháp đào tạo. Sau khi, Pháp rút khỏi Sài Gòn, Mỹ vào tiếp quản thì tôi được các anh em biệt động trong nhà máy đóng tàu Ba Son giác ngộ và kết nạp vào hàng ngũ. Năm 1957, trong một lần chuẩn bị trận đánh lớn vào một khách sạn có nhiều Mỹ, Ngụy lưu trú, tôi bị một đồng đội chiêu hồi chỉ điểm cho bọn mật thám bắt. Hôm đó là vào ngày 23/10/1957, khi trong người tôi đang mang theo một khối chất nổ lớn".
Ông bị giặc đày ra tù ở Côn Đảo và phải chịu hàng chục trận đòn roi tra tấn dã man. Căn phòng giam của ông còn có những người lính tù khác như đồng chí Nguyễn Oanh… cũng từ đó, ông được những đồng chí này giác ngộ cách mạng thêm.
Năm 1961, được thả tự do, ông về lại Sài Gòn và được một người bạn giới thiệu vào làm cho một công ty của Pháp, công ty này chuyên làm cố vấn hệ thống cấp nước cho Sài Gòn – Đồng Nai. Nhiệm vụ của công ty này được chế độ cũ giao đó là lắp đặt hệ thống cống đưa nước từ nhà máy nước Đồng Nai về thành phố, trong đó có cả cải tạo hệ thống đường ống cũ. Ông được người chủ Pháp giao cho nhiệm vụ đo đạc và phác họa lại bản đồ hệ thống đường ống Sài Gòn.
“Giữa năm 1962, tình cờ tôi coi một bộ phim của Pháp về một trận đánh mà những người lính ngoi từ hệ thống ống cống và đánh thắng trận. Sau đó, tôi liên lạc với người trực tiếp quản lý tôi là anh Hai Chín (lúc đó là Bí thư Chi bộ 20 Biệt động Sài Gòn – Gia Định) trình bày về tấm bản đồ và ích lợi của nó, sau đó anh Hai Chín xin ý kiến cấp trên và nói với tôi là đồng chí cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, lấy tấm bản đồ cho cách mạng” - ông Giêng nhớ lại hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Cũng theo lời ông Giêng, khi giao nhiệm vụ, đồng chí Hai Chín còn cử một số chiến sĩ biệt động và đưa cho ông một số tiền để giúp ông hoàn thành nhiệm vụ này. Thế nhưng, ông Giêng quyết không nhận, bởi theo ông, cách mạng đang cần người cần tiền, nhiệm vụ của mình không cần tới nhiều người và tiền.
“Tôi được ông chủ người Pháp tin tưởng, giao nhiệm vụ vẽ lại bản đồ hệ thông cấp thoát nước của Sài Gòn – Gia Định. Tuy nhiên, việc sao chụp lại tấm bản đồ này ở chỗ làm là không thể bởi việc cất giữ nó rất nghiêm ngặt. Cho nên, hàng ngày tôi vẽ bản đồ tới đâu tôi cố nhớ rõ tới đó để lúc về nhà tôi lại tập trung vẽ lại và hôm sau sẽ kiểm tra độ chính xác. Bất ngờ, một hôm tụi CIA của Mỹ ập vào công ty yêu cầu kiểm tra tấm bản đồ, ông chủ người Pháp kêu tôi lại lấy chìa khóa mở cửa tủ cho họ coi tấm bản đồ. Sau khi xem xét bản đồ, chúng lại hỏi về nhân thân của tôi… sau đó tôi bị ông chủ người Pháp cho nghỉ việc với lý do đã từng ngồi tù vì theo cộng sản. Tôi vui vẻ nghỉ việc và không quên cám ơn ông chủ người Pháp vì trước đó tôi đã kịp hoàn thành vẽ lại tấm bản đồ hệ thống cấp thoát nước của Sài Gòn – Gia định để giao cho tổ chức” - ông Giêng nhớ lại.
Những chiến thắng lớn nhờ tấm bản đồ
Gặp Đại tá Hoàng Đạo (tên thật Võ Văn Bính - nguyên Trưởng ban Điệp báo chiến dịch - Cục 2 Quân báo - Bộ Tham mưu miền) – biệt danh Tư Sắc trong một đêm trời Sài Gòn đổ mưa đầu tháng 4 lịch sử để hỏi về tấm bản đồ hệ thống cống ngầm Sài Gòn mà ông Giếng đã vẽ lại. Đại tá Hoàng Đạo cho biết, tấm bản đồ mà ông Giêng lấy được rất có giá trị, giúp chiến sỹ biệt động của mình luồn lách và trú ẩn và đánh thắng những trận đánh lớn.
“Tấm bản đồ đã giúp các đội biệt động và bộ đội chủ lực di chuyển trong hệ thống đường ống ngầm để lên, xuống và đi lại cho mỗi điểm đánh được thuận lợi. Xuyên suốt các trận đánh trước Mậu Thân 1968 tới những trận đánh sau này và kể cả tới năm 1975, quân ta nhiều lần dùng hệ thống bản đồ đường ống cống ngầm Sài Gòn để đánh địch giành thắng lợi, trong khi địch không hề phát hiện cũng như đánh trả được mình” - Đại tá Hoàng Đạo kể.
Một trận đánh lớn, mang lại chiến thắng mở màn khi dùng tấm bản đồ trên, đó là trận đánh vào khách sạn Metropole (trên đường Trần Hưng Đạo) vào tháng 12 năm 1965 của Đội biệt động F100. “Khi đó các chiến sĩ biệt động đã chia làm hai lực lượng, một cải trang thành lính ngụy đi trên chiếc xe Jeep, một đội khác sử dụng hệ thống đường cống ngầm để vận chuyển khối thuốc nổ gần 400kg tới địa điểm đánh đã phá tan gần như hoàn toàn khách sạn Metropole 7 tầng, làm thương vong gần 160 tên phi công và chuyên viên kỹ thuật Mỹ. Đánh xong, các lực lượng biệt động đã rút lui an toàn bằng hệ thống cống ngầm.
Ngày giải phóng miền Nam
Ông được khoác trên người bộ quân phục của người lính giải phóng thuộc đơn vị B12, làm công tác tiếp quản thành phố. Theo ông Giêng, lúc đó thành phố vô cùng phức tạp, ông nhận lệnh tiếp quản trường Chính trị Đảng thành phố (hiện nay). Vì có kinh nghiệm trong quản lý từ lúc còn làm cho các công ty của Pháp nên ông được ông Thái Nhân Hòa - Phó Giám đốc nhà trường điều động giữ chức Trưởng phòng Quản lý đào tạo, tới năm 1990 thì về hưu.
Tuổi già của người kỹ sư cầu cống - cựu chiến sỹ biệt động Sài Gòn năm ấy giờ đây là vui cùng con cháu, mỗi tháng ông phải đi bệnh viện đôi ba lần vì những vết thương mà giặc gây cho ông tại nhà tù côn đảo. Ông nói, đó là những “kỷ vật của cuộc chiến”, mỗi khi đau giúp ông nhớ tới 600 đồng đội biệt động Sài Gòn của ông mà khi hòa bình chỉ còn lại 60 người.
Giờ đây, tấm bản đồ năm ấy vẫn còn và đang nằm trong khu tưởng niệm trận đánh dinh Độc Lập trên đường Võ Thị Sáu, quận 3 do gia đình vị tướng tình báo mang bí danh Năm USom quản lý và được khôi phục lại hoàn toàn để làm một nhiệm vụ mới, nhiệm vụ nói lên lịch sử.
Cựu chiến sỹ biệt động Sài Gòn – Gia Định Nguyễn Văn Giêng.
|
Một phần tấm bản đồ được ông Giêng vẽ theo trí nhớ.
|
Đại tá Hoàng Đạo nói tấm bản đồ có ý nghĩa rất lớn với cách mạng lúc bấy giờ.
|