Không thể bước qua lằn ranh định kiếnTheo số liệu thống kê của Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL), từ năm 2009 đến 2017 có 292.268 vụ BLGĐ, trung bình mỗi năm tổng hợp được 36.534 vụ. Trong 10 năm (từ 2008 đến 2018), Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết 1.384.660 vụ án ly hôn, trong đó có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ như: Bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn). Tuy nhiên, nếu chỉ thông qua các con số, ít ai có thể hiểu hết thực trạng BLGĐ và nỗi đau mà người phụ nữ phải gánh chịu. Triển lãm “Phía sau cánh cửa” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức đã giúp những người phụ nữ nói lên nỗi đau của mình trước hành vi bạo lực.
|
Một phụ nữ kể lại câu chuyện bị chồng bạo hành. |
Khi kể về những lần phải gánh chịu hành vi BLGĐ, dù người phụ nữ đã phải che đi khuôn mặt nhưng những giọt nước mắt và tiếng nấc nghẹn ngào vẫn lẫn vào giọng nói. Chị P.T.T (Vĩnh Phúc, sinh năm 1981, nhân viên ngân hàng) cho biết: “Thường thì anh khóa cửa đánh tôi trong nhà. Vì sức tôi không chống được nên chỉ chịu đựng. Có lần, anh ấy dùng dao phay cứa vào cổ, tôi sợ quá gọi công an đến giải quyết. Đến khi đi làm, tôi nói dối mọi người là đi đường bị trấn lột. Tôi không muốn chia sẻ sự thật vì sợ nói ra ảnh hưởng đến công việc của anh ấy cũng như con cái mình”.
Chị S.N.B (Lạng Sơn, sinh năm 1976, làm nghề tự do) chia sẻ: “Dạo đầu, mỗi lần anh ấy đánh chửi, tôi cố gắng để hàng xóm không biết. Chuyện vợ chồng nên giữ trong gia đình, đỡ xấu hổ. Nhưng sau này, anh ấy hung lên, chửi bới tất cả, mọi người đều biết. Anh ấy từng đánh tôi thừa sống thiếu chết, đánh xỉu tôi ngoài đường, hàng xóm phải đưa đi cấp cứu. Nhiều lần anh bị bắt lên phường nhưng rồi đâu lại vào đấy. 2 tuần trước, anh ấy cầm dao chém rách đầu tôi, khâu mười mấy mũi, công an bắt. Tôi về nghĩ một đêm, nửa muốn cho chồng đi tù nhưng nửa lại không muốn vì vừa thương vừa sợ nhà chồng và mọi người dèm pha. Rồi sợ con cái cũng bị ảnh hưởng nên tôi rút đơn cho về nhà”. Bao nhiêu lần, những người phụ nữ bị bạo hành muốn giải thoát khỏi cuộc sống hôn nhân như địa ngục cũng là bấy nhiêu lần họ day dứt với ràng buộc về con cái, định kiến xã hội. Họ luôn phải đứng giữa lằn ranh của việc từ bỏ hay cố gắng cải tạo người đàn ông đã từng yêu mến.
Kéo dài nỗi đauQuan niệm phụ nữ phải hoàn thành các thiên chức giữ tổ ấm, hy sinh vì chồng, con, nội trợ... khiến phụ nữ bị BLGĐ. Những quan điểm này dung túng nam giới đặc quyền kiểm soát, điều khiển cuộc đời của người phụ nữ. Anh Nguyễn Đức H. (Kinh Môn, Hải Dương) cho biết: “Trước đây, tôi rất hay đánh vợ vì điều kiện kinh tế khó khăn. Một lần, vợ xin tiền đóng học cho con nhưng tôi không có và đã thực hiện hành vi bạo lực với vợ”. Anh Mạc Văn Ly (Hải Dương) thành thật: “Gia đình nghèo, nhà không có người nối dõi, đi ra ngoài uống rượu bị mọi người lời ra tiếng vào, về nhà bực tức nên đã có hành vi bạo lực với vợ”.
BLGĐ làm ảnh hưởng nặng nề đến những người trong cuộc, đặc biệt là trẻ em. Theo Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Lê Thị Phương Thúy: “BLGĐ vẫn diễn ra âm thầm trong đời sống xã hội bởi cộng đồng đang chấp nhận bạo lực như một phương thức hành xử của gia đình. Qua thực tế, chúng tôi thấy BLGĐ để lại những hậu quả nặng nề tới con trẻ. Trẻ gái lớn lên dễ chấp nhận bạo lực như một phương thức hành xử bình thường; những đứa trẻ trai cho rằng bạo lực là phương thức giao tiếp hiệu quả”. Nếu không có biện pháp ngăn chặn BLGĐ, những câu chuyện buồn như trong triển lãm "Phía sau cánh cửa" cứ kéo dài theo năm tháng.