Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện hai cựu binh người Thái và trận đánh quyết định ở chiến dịch Tây Nguyên

Hồ Văn - Kế Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã 45 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm về thời khắc lịch sử trong chiến dịch Tây Nguyên của hai cựu binh người Nghệ An vẫn còn nguyên trong tâm trí.

Hai cựu binh Vi Văn Chung và Lang Quốc Chính đang kể về những kỷ niệm của đời lính.
Gần đến ngày 30/4, hai cựu binh Lang Quốc Chính (SN 1958) và Vi Văn Chung (SN 1956), cùng trú tại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) lại ngồi trò chuyện với nhau để nhớ về những tháng ngày lịch sử của 45 năm về trước.
Cầm trên tay những kỷ vật chiến tranh, hai người lính Trường Sơn năm xưa lại bồi hồi nhớ về những trận chiến ác liệt và thời khắc lịch sử miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước. Khi nói về chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, khuôn mặt hai cựu binh lại ngời sáng lên như câu chuyện mới vừa diễn ra ngày hôm qua.
Cũng là cơ duyên, hai cựu binh Lang Quốc Chính và Vi Văn Chung là bạn cùng quê, học hết cấp 3, cả hai người nhập ngũ vào Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 316, Quân đoàn 3. Sau hơn 1,5 tháng huấn luyện, hai người lính trẻ nhận lệnh đi đánh mặt trận B3 Tây Nguyên.
“Lính mới nhập ngũ kinh nghiệm chưa được nhiều, mà lúc đấy quân lệnh là đi một mạch, đi theo đường Trường Sơn, đường 9 Nam Lào sau đó rẽ vào đường mòn Hồ Chí Minh, qua Khe Sanh vào ngã ba Đông Dương. Rồi đi bộ 1 tuần đường rừng đến địa điểm A2, thì chúng tôi đóng quân ém ở đó. Hành quân ngày đêm, cho đến vùng bạt ngàn cà phê của các chủ đồn điền mới biết đó là điểm của địch”, cựu binh Lang Quốc Chính nhớ lại.
Tấm ảnh thời lính đã phai màu vì thời gian nhưng vẫn được hai ông lưu giữ hết sức cẩn thận.
Ông Chính nói bản thân cùng đồng đội tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ nhưng trận đánh giải phóng Buôn Mê Thuột ghi dấu ấn sâu đậm nhất với ông.
“Đêm hôm đó là tiến công lên điểm 500, lính trinh sát, đặc công lên trước, quá trình đi địch cũng làm khiếp lắm. Khi đánh đến nơi thì được tin giải phóng xong rồi, sáng hôm sau mới từ cứ điểm 500 nhìn xuống thị xã Buôn Mê Thuột là nhìn thấy hết cả sân bay Hòa Bình, lúc ấy khoái lắm…”, ông kể.
Cũng như đồng đội của mình, khi nhớ về những trận đánh năm xưa, cựu binh Vi Văn Chung bồi hồi không kém. Người lính năm xưa nay tóc đã bạc, những vết thương da thịt do chiến tranh không làm họ cảm thấy nản chí, nhớ về ngày tháng xưa, ai nấy đều rạo rực.
“Đối với lực lượng hành quân xuống phía Nam, Bộ Tư lệnh quy định toàn bộ cuộc hành quân phải bảo đảm nguyên tắc bí mật, ngụy trang kỹ lưỡng, ngày vào rừng, tối hành quân..., đi đến đâu ngụy trang xóa dấu vết đến đó”, ông Chung nhớ lại.
Để đảm bảo yêu cầu bí mật của chiến dịch, từng người lính tham gia trận chiến đều được huấn luyện kỹ càng, tinh nhuệ. Từng vị trí chiến đấu được vạch sẵn nhưng phải bí mật.
“Trong từng trận đánh, mỗi đơn vị phải có tinh thần trách nhiệm cao, trình độ tổ chức vững vàng, chấp hành kỷ luật hết sức chặt chẽ mới hoàn thành được nhiệm vụ. Đánh trận này qua trận khác ai chả sợ nhưng khí thế hừng hực, ai cũng nghĩ về ngày thống nhất nên máu đánh lắm…”, ông Chung kể.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những tấm hình đã phai màu, chiếc bi đông, cặp lồng… vẫn được cựu binh Lang Quốc Chính, Vi Văn Chung cất giữ vẹn nguyên như báu vật của một thời tuổi trẻ, hào hùng cùng đất nước.
Với hai cựu binh, đại thắng mùa Xuân 1975 và giây phút lá cờ Tổ quốc bay trên Dinh Độc Lập ngày ấy mãi mãi in sâu trong tâm thức.
Phần thưởng cao quý được nhà nước trao tặng cho ông Vi Văn Chung.
Theo lời hai cựu binh, sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, sư đoàn của họ lại tiến vào Trảng Bàng, Tây Ninh để tiếp tục giải phóng hoàn toàn Miền Nam.
Sau 1975, ông Lang Quốc Chính và ông Vi Văn Chung tiếp tục được lệnh hành quân ra Bắc. Ông Lang Quốc Chính xuất ngũ 1993 về làm đội trưởng đội sản xuất nông Nghiệp bản Đồng Minh đến năm 2004 làm cán bộ xã Châu Hạnh và về hưu từ năm 2018.
Còn ông Vi Văn Chung, sau 1975 hành quân tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc Phong Thổ, Lai Châu 2/1979. Phục vụ chiến tranh biên giới đến năm 1988, sau đó sang Vũ Xuyên, Hà Tuyên. Đến năm 1990 xuất ngũ trở về địa hương tham gia công tác xã hội làm công an viên, bí thư, trưởng bản của khối Tân Hương.
Dù công tác ở cương vị nào cựu binh Lang Quốc Chính và Vi Văn Chung đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Luôn là tấm gương sáng cho con cháu học tập và noi theo.