Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên nghiệp như… bóng đá Đông Nam Á

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - AFF Cup là giải vô địch của các quốc gia Đông Nam Á do AFF tổ chức.

Mục đích tổ chức sân chơi này là nhằm thúc đẩy sự phát triển của bóng đá khu vực. Tuy nhiên, dù đã bước vào năm thứ 20 nhưng AFF Cup vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp như mong muốn của các nhà tổ chức.
 Trung vệ Đình Luật chỉ bị treo giò 1 trận 
Cho tới sáng 28/11, mối quan tâm hàng đầu của VFF là việc trung vệ Đình Luật bị cấm thi đấu bao nhiêu trận do nhận thẻ đỏ trực tiếp trong trận gặp Campuchia. Theo thông lệ, trung vệ này sẽ bị cấm thi đấu một trận, có nghĩa là sẽ vắng mặt ở trận bán kết lượt đi. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, do nhận thẻ đỏ trực tiếp, Đình Luật sẽ vắng mặt ở cả trận bán kết lượt về. VFF đem những thắc mắc này trao đổi với AFF thì cơ quan này cũng trả lời không biết. Họ phải chờ ý kiến từ AFC, nơi cử trọng tài điều phối các trận đấu. Nếu AFC cấm nhiều hơn một trận thì AFF sẽ thực thi án phạt với Đình Luật. Và đến chiều 28/11, AFC mới đưa ra quyết định  phạt treo giò 1 trận với Đình Luật (và nộp phạt 1.000 USD). Chính điều này khiến ban huấn luyện đội bóng bị động trong chuẩn bị về nhân sự.
Và cho đến tận chiều qua, VFF mới được biết địa điểm sẽ diễn ra trận bán kết lượt đi AFF Cup. Lý do là nước chủ nhà Indonesia liên tục thay đổi địa điểm tổ chức trận đấu. Đầu tiên là trận đấu được tổ chức tại Bandung, một địa điểm cách Jakarta 300km. Sau đó, nước chủ nhà bất ngờ tuyên bố sẽ chuyển trận đấu đến Tây Java do sân Bandung đang phải tu sửa. Nhưng đến cuối ngày hôm qua, VFF nhận được thông báo trận đấu sẽ diễn ra tại Borgo, cách Jakarta khoảng một giờ ô tô.
Việc nước chủ nhà thay đổi sân liên tục khiến VFF và các cổ động viên Việt Nam như ngồi trên đống lửa. Lý do là họ cần phải sớm xác định được địa điểm để đặt vé máy bay, chọn khách sạn tá túc với cái giá tốt nhất. Theo thông lệ, càng đặt vé muộn thì chi phí càng cao. Thế nhưng, VFF và cả AFF cũng bị động vì sự đỏng đảnh, thiếu chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng đá Indonesia. Dù rằng, trước mỗi giải đấu, các liên đoàn phải đăng ký địa điểm thi đấu nhưng AFF vẫn không thể sử dụng biện pháp cứng rắn khi các thành viên tỏ ra thiếu chuyên nghiệp.
AFF muốn từng bước chuyên nghiệp giải đấu nhưng 20 năm qua, họ luôn phải thỏa hiệp với các thành viên. Rồi những tranh cãi liên quan đến trọng tài luôn đồng hành với các giải đấu. Những cố gắng trong việc xây dựng chuẩn mực cho sân chơi đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu và AFF đành phải chấp nhận những tiêu chí chuyên nghiệp ở mức tạm chấp nhận được.