Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện người phụ nữ Nga yêu văn hóa Việt

Cẩm Anh - Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 13 năm kể từ khi lần đầu đặt chân tới Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội - bà Natalia Valerievna Shafinskaya vẫn còn bồi hồi: “Hà Nội ngày nay khác hẳn so với hơn 10 năm về trước với những xu hướng lối sống mới”.

Bà Natalia Valerievna Shafinskaya - Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội (người đứng giữa hàng đầu) cùng các đồng nghiệp Việt Nam.
Cảm giác gần gũi với tiếng Việt
Bà Natalia cho biết, trước khi bắt đầu học tiếng Việt đã có khoảng thời gian 11 năm gắn bó với tiếng Trung và từng có ý định sẽ tiếp tục theo ngôn ngữ này. Truyền thống của Nga là muốn giao lưu với một nước nào đó, các chuyên viên phải hiểu và thông thạo ngôn ngữ của quốc gia đó. Nhưng khi vào năm chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy giáo của bà Natalia đã khuyên bà chọn học tiếng Việt, bởi mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga có truyền thống lâu đời, là hai nước anh em và có nhiều tiềm năng để hợp tác. “Tôi đặc biệt thích phát âm của tiếng Việt, không biết giải thích thế nào, nhưng tôi đặc biệt có cảm giác gần gũi khi học tiếng Việt” - bà Natalia tâm sự.

Một trong những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam để lại trong bà Natalia ấn tượng sâu sắc là “Uống nước, nhớ nguồn”… Điều khiến bà cảm thấy gần gũi là cả Nga và Việt Nam đều có những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ tương đồng về ý nghĩa. “Người Việt Nam sử dụng rất nhiều tính từ khi giao tiếp, điều này cho thấy họ sống rất có tình cảm. Người dân Việt Nam cũng rất thông minh và linh hoạt trong công việc” - bà nói.

Cơ duyên với thành phố ngàn năm tuổi

Năm 2005, bà Natalia lúc bấy giờ là một sinh viên Nga tới Hà Nội để thực tập giao tiếp tiếng Việt, chuyên ngành Việt Nam học. Vào năm 2010, khi mới chính thức được điều sang Việt Nam công tác, bà Natalia từng đảm nhận rất nhiều vị trí, bao gồm chuyên viên, phiên dịch viên, trợ lý giám đốc, cán bộ phụ trách mảng giáo dục của Trung tâm Văn hóa Nga. Cho tới năm 2016, sau 6 năm công tác tại Việt Nam, bà chính thức nhậm chức Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nga.

Điều bà Natalia ấn tượng với Hà Nội là dù trong quá trình phát triển mạnh mẽ, với nhiều thứ thay đổi từ cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, lối sống… người dân Thủ đô vẫn luôn nhớ về cội nguồn, trân trọng thế hệ trước cũng như phong tục tập quán.
Thông qua ngày Tết Nguyên đán, có thể nhận thấy rõ truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” của người dân Việt Nam, khi cộng đồng người dân Việt Nam ở Nga hay nhiều quốc gia khác cũng vẫn cố gắng trở về với gia đình vào dịp này để sum họp bên gia đình trong những ngày Tết. 

Bà Natalia Valerievna Shafinskaya
“Điều đầu tiên là phố cổ, thứ hai là con người”, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội nói. “Tôi cho rằng, việc con người vẫn giữ vững được những nét văn hóa vốn có trong lối ứng xử hàng ngày là một trong những điều giúp cho Hà Nội vẫn giữ được nét truyền thống”.

Theo bà Natalia, Nga và Việt Nam có nhiều điều điểm tương đồng, từ bề dày lịch sử, con người hai nước đều trải qua chiến tranh vươn lên hòa bình, phát triển, do vậy người dân Nga và Việt Nam cũng đều trân trọng quá khứ. Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội cũng chia sẻ, trong hơn một thập kỷ sống và làm việc tại Việt Nam, điều khiến bà tự hào là tập thể cán bộ Trung tâm với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm cao trong công việc.

“Đến bây giờ, tôi đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình” - bà Natalia tâm sự. Trong những năm đầu tiên ở Việt Nam, bà cùng gia đình thường xuyên đón Tết Nguyên đán như những người dân Việt Nam thực thụ, sắm quất, đào để trang trí nhà cửa, đi chơi dạo chợ Tết, thưởng thức món ăn truyền thống.
Phong trào Olympic là điểm sáng trong hoạt động của Trung tâm văn hóa Nga. Theo đó, trong năm 2018, thông qua phong trào Olympic, 170 học viên Việt Nam đã giành được học bổng toàn phần đi du học Nga (gồm cả sinh hoạt phí của Bộ GD&ĐT Việt Nam). Dự kiến, trong năm 2019, Chính phủ Nga tăng đến hơn 960 chỉ tiêu dành cho Việt Nam, trong số đó, theo sự thỏa thuận và nhất trí với Bộ GD&ĐT Việt Nam, 200 chỉ tiêu sẽ dành cho phong trào Olympic nêu trên.