Hà Nội hiện có 4 máy RT-PCR công suất 1.000 mẫu/ngày
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thông tin, qua rà soát, thống kê đến nay toàn thành phố có 96.479 người về từ Đà Nẵng (có 74.901 người về từ ngày 15/7). Đã xét nghiệm PCR 625 trường hợp, kết quả 624/625 mẫu âm tính 1 mẫu dương tính (là bệnh nhân số 752 tại huyện Phúc Thọ). Xét nghiệm test nhanh cho 73.058 trường hợp, ghi nhận 13 trường hợp có kết quả dương tính. Tất cả các trường hợp test nhanh dương tính đều được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR, kết quả toàn bộ 13/13 trường hợp có kết quả PCR, âm tính.
|
Đoàn làm việc của Bộ Y tế làm việc với BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội |
Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng 1.000 giường bệnh điều trị tại 6 bệnh viện: Bắc Thăng Long, Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đống Đa, bệnh viện dã chiến Mê Linh.
Về năng lực xét nghiệm PCR, ông Hiền cho biết Hà Nội hiện có 4 máy RT-PCR công suất 1.000 mẫu/ngày; 11 bệnh viện của Hà Nội cũng thực hiện được xét nghiệm RT-PCR gồm 8 bệnh viện công lập và 3 bệnh viện công lập với tổng công suất 2.484 mẫu/ngày. Hà Nội dự kiến công suất xét nghiệm tối đa có thể đạt là 5.684 mẫu/ngày.
Thêm một trường hợp dương tính với Sars-Cov-2 nhập cảnh từ Mỹ về
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thông tin về ca bệnh mới ghi nhận ở Hà Nội là BN 785; nam, 42 tuổi; là Giám đốc công ty thực phẩm Ninh Phong 3, khu công nghiệp Thăng Long 2 tại huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Bệnh nhân ở tại chung cư Tân Việt, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Ngày mắc 3/8, vào viện 6/8, đến ngày 7/8 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Số F1 của bệnh nhân 785 là 57 người, trong đó 48 người sống tại Hà Nội, 7 người sống ở Hưng Yên, 1 Vĩnh Phúc, 1 Thanh Hoá. Liên quan đến bệnh nhân này, có 106 trường hợp tiếp xúc F2.
|
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi làm việc |
Đối với bệnh nhân số 751 tại Hải Dương (Từ Cam Ranh Khánh Hòa ra Hà Nội công tác tại Học viện Phòng không, Không quân tại thị xã Sơn Tây, trong thời gian ở Hà Nội bệnh nhân đi tới nhiều địa điểm, bước đầu ghi nhận có tiếp xúc gần với 30 người ở các địa điểm đến (số tiếp xúc gần tại Học viện Phòng không, Không quân chưa được thống kê và đang phối hợp với Học viện xác minh).
Giám đốc Sở Y tế cũng thông tin với đoàn về 1 trường hợp mắc Covid-19, là nam bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh 27 tuổi, nhập cảnh từ Mỹ về Hà Nội ngày 4/8. Được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm ngày 6/8 và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sáng ngày 8/8.
Kiến nghị Bộ Y tế cho tăng công suất hỗ trợ xét nghiệm cho Hà Nội
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu về công tác xét nghiệm và cách ly. Theo đó. Hà Nội đang triển khai xét nghiệm theo thứ tự ưu tiên: người tiếp xúc F1 với bệnh nhân; đối tượng từ Đà Nẵng về có triệu chứng; đối tượng từ Đà Nẵng về qua vùng dịch và đối tượng từ Đà Nẵng về chưa qua 14 ngày.
Tuy nhiên, năng lực xét nghiệm của Hà Nội vẫn còn hạn chế, do đó, thành phố đã huy động các đơn vị ngoài công lập xét nghiệm nhưng gặp khó khăn về cơ chế, giá, giao nhiệm vụ… Hà Nội kiến nghị Bộ Y tế cho tăng công suất hỗ trợ xét nghiệm cho Hà Nội.
Thành phố cũng xin ý kiến Bộ Y tế trong công tác cách ly tại nhà đối với người đi từ Đà Nẵng về; quản lý giá về vật tư y tế; Bộ Y tế xây dựng phương án bệnh viện chuyên về Covid-19 trong điều kiện mới để tránh tình trạng lây chéo để bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế, bác sỹ phục vụ người bệnh.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết có thể hỗ trợ 200 mẫu/ngày bởi ngoài Hà Nội còn xét nghiệm các mẫu của các tỉnh gửi về. Với trên 73.000 trường hợp cần xét nghiệm PCR của Hà Nội, đơn vị đề xuất xét nghiệm theo nhóm, theo tính toán và tham khảo của CDC Hoa Kỳ có thể gộp 5 mẫu/lần, vẫn bảo đảm kết quả xét nghiệm.
|
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi làm việc |
GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, Đại học Y có thể làm 1.000 mẫu trong một ngày/đêm, tuy nhiên quan trọng nhất là tách mẫu, và không phải đơn vị nào cũng có đủ máy móc. Bên cạnh đó, trường sẵn sàng cử ekip xét nghiệm đi các cơ sở nếu có yêu cầu.
Tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao những động thái khẩn trương, quyết liệt của Hà Nội trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Quyền Bộ trưởng khẳng định Trung ương đặt niềm tin lớn vào Hà Nội về kiểm soát dịch bệnh.
Với Hà Nội, xét nghiệm là điểm mấu chốt quan trọng trong kiểm soát dịch. Chỉ có xét nghiệm mới phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng, dập tắt ổ dịch" - ông Nguyễn Thanh Long cho hay.
Ngay khi bắt đầu cuộc chiến chống dịch giai đoạn này, BCĐ Quốc gia, Bộ Y tế luôn xác định Hà Nội là địa bàn có nguy cơ cao. Đó là bởi, Hà Nội có nhiều người (gần 100.000) trở về từ Đà Nẵng. Rêng từ 15/7 đến nay là hơn 75.000 người.
"Chúng tôi coi Đà Nẵng là vùng dịch, tâm dịch nên những người về từ Đà Nẵng đều có nguy cơ lây nhiễm nhất định" - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay và nhấn mạnh phải tiến hành thật nhanh việc lấy mẫu, xét nghiệm Realtime (RT-PCR)
Theo đó, Bộ Y tế đã thảo luận, giao 4 đơn vị chính sẽ tiến hành xét nghiệm cho khoảng 70.000 người Hà Nội trở về từ Đà Nẵng theo phương pháp RT-PCR. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai đảm nhiệm 40.000 mẫu; Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương mỗi đơn vị 10.000 mẫu.
"Ngay chiều nay, gửi mẫu về cho các cơ quan này" – Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh và cho hay, Trung ương sẽ làm rất nhanh nhưng tốc độ lấy mẫu và điều phối mẫu cho các đơn vị thì đề nghị TP giao Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ.
Về điều trị, theo Quyền Bộ trưởng, Bộ Y tế sẵn sàng tiếp nhận điều trị tất cả bệnh nhân cho Hà Nội. Trong giai đoạn này, Bộ Y tế giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đảm trách nhiệm vụ này. Nếu số lượng bệnh nhân tăng lên thì chúng ta có kịch bản tiếp theo để đảm bảo điều trị. Quan điểm của Trung ương và Bộ Y tế là giữ bằng được an toàn cho Thủ đô.
Hà Nội chuyển mẫu đến 4 đơn vị hỗ xét nghiệm ngay trong chiều 8/8
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề xuất vấn đề vận chuyển mẫu xét nghiệm. Cụ thể, các đơn vị báo cáo, ống vận chuyển mẫu không phù hợp với tiêu chuẩn que lấy dịch hầu gây nên hạn chế trong việc vận chuyển mẫu. Hà Nội đề nghị Bộ Y tế làm việc với các đơn vị cung cấp trong nước về vấn đề này, tạo thành khung tiêu chuẩn, giúp Thành phố rút ngắn thời gian vận chuyển mẫu.
Qua ý kiến của các đơn vị, hiện nay sẽ có 4 đơn vị giúp Hà Nội xét nghiệm PCR. Đó là bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Y và Bệnh viện Nhi T.Ư. Chủ tịch UBND TP đề nghị các bệnh viện tiếp nhận mẫu xét nghiệm mà Hà Nội có ngay trong chiều nay để xét nghiệm PCR.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi làm việc |
Theo Chủ tịch, theo công bố, Hà Nôi có 5 ca dương tính nhưng thực tế là 6 ca. Đối với ca bệnh 751 ở Hải Dương, Chủ tịch UBND TP đề nghị phải tính ca bệnh này ở Hà Nội vì thực tế quá trình đi lại của ca này ở Hà Nội. Để từ đó xác định F1, F2 ở Hà Nội là chính. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng đề xuất Bộ Y tế sẽ xét nghiệm PCR cho toàn bộ người đi từ Đà Nẵng và các tỉnh, thành có dịch từ 15 – 29/7.
Về công tác khám chữa bệnh, Chủ tịch UBND TP đề xuất các trường hợp ca bệnh của Hà Nội vẫn chuyển về bệnh viện Nhiệt đới T.Ư 2. Khi nào bệnh viện Nhiệt đới T.Ư 2 hết chỗ rồi mới về bệnh viện Bắc Thăng Long, rồi mới đến bệnh viện dã chiến Mê Linh.