KTĐT - Lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) diễn ra từ ngày 9-12 tháng Giêng. Ngoài phần lễ với nhiều nghi thức đặc sắc, phần hội đang bị biến tướng bởi những trò cờ bạc như tôm-cua-cá, cá độ chọi gà…
Lễ hội với những nghi lễ đặc sắc
Làng Triều Khúc còn có tên gọi là Kẻ Đơ, xưa kia vốn là một vùng quê nổi tiếng với nghề làm nón quai thao. Làng có ngôi đình cổ thờ Bố Cái Đại Vương (tức Phùng Hưng), được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Tương truyền, nơi đây vốn là nơi tập trận của nghĩa quân Phùng Hưng, người có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, giải phóng dân tộc. Vì vậy, sau khi vua Phùng Hưng mất, người dân làng Triều Khúc đã phong ông làm Thành hoàng làng và lập đình thờ. Lễ hội được tổ chức từ ngày 9-12 tháng Giêng, chính hội là ngày 10 tháng Giêng, đây cũng là ngày kỷ niệm tráng sĩ Phùng Hưng được phong tức vị lên ngôi vua.
Hiện nay, cứ 3 năm một lần, người dân Triều Khúc lại mở hội với quy mô lớn. Mở đầu lễ hội là màn rước Sắc từ Đình thờ Sắc đến Đại đình (làng có 2 ngôi đình), tức rước long bào, triều phục của Hoàng đế Phùng Hưng để bắt đầu cuộc tế lễ “hoàn cung”. Khi cuộc lễ trong đình bắt đầu thì ngoài sân đình nhiều trò vui cũng được tổ chức, trong đó có trò “đĩ đánh bồng”.
Múa “đĩ đáng bồng” là một điệu múa cổ do hai chàng trai đóng giả gái trong bộ quần áo mớ ba, mớ bẩy, má phấn, môi son, răng đen hạt huyền, mắt lá răm, khăn mỏ quạ biểu diễn. Hai “cô gái” vừa nhún nhảy, vừa vỗ trống Bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, gây cười. Đây là tiết mục độc đáo, sinh động nhất trong lễ hội Triều Khúc.
Cũng tại lễ hội, nhiều trò chơi dân gian khác như múa lân, múa sư tử, đấu vật, đá bóng, chọi gà; biểu diễn văn nghệ, hát chèo Tàu… cũng được tổ chức, nhằm giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian của một làng quê Việt...
Cờ bạc, cá độ diễn ra công khai
Ngay trong ngày khai mạc, hàng chục sới gà luôn được người xem bâu kín. Một sới gà được tổ chức trong sân bóng bên cạnh Đại đình, những tiếng hò reo, vỗ tay vang dội khi một trong hai chú gà chọi tung cước vào đối thủ. Giới cá độ liên tục phát giá: tía (gà tía) 2 triệu ăn 3 triệu, 3 triệu ăn 5 triệu, 7 triệu ăn 10 triệu… những người chấp nhận cuộc chơi sẽ được ghi tên và mức cá cược vào một quyển sổ nhỏ để theo dõi diễn biến buổi cá cược.
Ngay phía sau của Đại đình, cũng có 4-5 sới gà với hàng trăm người đứng bâu kín. Tuy không phát giá công khai, nhưng những người cá cược cũng âm thầm ra giá và danh sách cá cược ngày một dài ra khi trận đấu giữa 2 đấu sĩ gà dần kết thúc. Hàng chục chú gà đang úp sẵn trong lồng chờ đến lượt đấu. Nhiều người tranh thủ chăm sóc “đấu sĩ” của mình, mong sao sẽ chiến thắng trong lần ra quân.
Tại đây, bên cạnh các sới gà là các bàn tôm-cua-cá, chiếc nón kỳ diệu cũng diễn ra công khai. Người tổ chức cầm một xấp tiền trên tay, tay kia cầm 2 chiếc bát nhựa úp vào nhau sóc sóc và mở rồi thu tiền về. Đứng quan sát khoảng 10 phút, PV ghi nhận người may mắn thì ít mà người thua thì nhiều. Có người chỉ sau 10 phút thử vận may ví đã sạch trơn vì vận may chẳng thấy mà chỉ thấy vận đen.
Ông Nguyễn Huy Thái, Chủ tịch Hội người cao tuổi, thành viên Ban tổ chức (BTC) lễ hội cho biết, chọi gà là một hoạt động trong lễ hội luôn quấn hút người xem. Để khuyến khích những người có gà chọi tham gia, người có gà chọi chiến thắng sẽ được BTC trao cờ lưu niệm, kèm theo một chai rượu, gọi là động viên những người tham gia. BTC không cho phép các bên cũng như du khách tham gia cá cược hay tổ chức các trò chơi mang tính sát phạt…
Tuy nhiên, tình trạng cá cược vẫn diễn ra công khai, các trò chơi mang tính sát phạt như tôm-cua-cá, chiếc nón kỳ diệu ăn tiền vẫn diễn ra công khai tại lễ hội, nhưng không thấy bóng dáng của đội an ninh trật tự xử lý. Chính tâm lý thử vận may đầu năm cũng như các trò chơi mang tính sát phạt đã biến lễ hội thành một sới bạc, làm sai lệch bản chất tốt đẹp vốn có của lễ hội.