Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ chế kiểm soát quyền lực: Nhận diện cụ thể để có giải pháp mạnh hơn

Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lợi dụng chức vụ để chi phối, tư lợi, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Hàng loạt vụ việc “dạng này” đã bị xử lý nghiêm thời gian qua tại Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí hay ở các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa... càng đòi hỏi sớm có một cơ chế để kiểm soát quyền lực tốt hơn.

Ai chạy – chạy ai?

Chính vì yêu cầu bức thiết này, lần đầu tiên tại một hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng toàn quốc đã dành một thời lượng lớn để thảo luận, cho ý kiến về mục tiêu, quan điểm, giải pháp trong vấn đề kiểm soát quyền lực và phòng chống, chạy chức, chạy quyền.
 Ảnh minh họa. 
Trước đó, để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chế tài về kiểm soát quyền lực, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tiến hành khảo sát, tọa đàm tại 16 tỉnh, TP và bộ, ngành trong cả nước, góp phần làm rõ luận cứ khoa học và thực tiễn trong việc kiểm soát quyền lực theo tinh thần Đại hội XII của Đảng về “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”.

Thực tế cho thấy, tình hình kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ kém hiệu quả, nạn “chạy chức, chạy quyền” diễn biến phức tạp, tinh vi do nhiều nguyên nhân. Trong đó có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Đó là nhận thức về kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” chưa được coi trọng đúng mức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ có chức, có quyền suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, có biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm. Một số cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cán bộ cấp cao còn tiếp tay, bao che, dung dưỡng cho “chạy chức, chạy quyền”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng: Nâng chất lượng, tăng kiểm tra

Kiểm soát quyền lực chính là kiểm soát con người, do đó cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đổi mới từ công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn đúng những cán bộ có tâm, có tầm. Đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát; đổi mới trong giao nhiệm vụ theo hướng 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ kết quả; xây dựng các cơ chế, chính sách một cách đồng bộ; tăng cường công khai minh bạch, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”.
Nêu ý kiến tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã thẳng thắn: “Ai chạy và chạy ai? Lâu nay chúng ta vẫn nói công tác cán bộ là vấn đề khó nên Ban Tổ chức T.Ư cần có lời giải. Việc đánh giá cán bộ thông qua bằng cấp thì thiếu bằng cấp gì cán bộ có bằng cấp đó, nhanh lắm”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, thực trạng chạy chức, chạy quyền trong hệ thống vẫn còn, thậm chí có nơi còn nhiều. Việc này Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có kết luận, khẳng định muốn Đảng ta trong sạch vững mạnh, để dân thực sự tin tưởng vào Đảng thì dứt khoát phải thanh lọc đội ngũ cán bộ thoái hóa biến chất. "Trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề thoái hóa biến chất của cán bộ rất quan trọng, bởi chọn người sai sẽ để lại hậu quả khôn lường và thực tế chúng ta đã vướng phải. Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ tôi cho rằng rất hay, và chuẩn bị của Ban Tổ chức T.Ư về chuyên đề chạy chức chạy quyền là rất kịp thời" - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Công khai, minh bạch hơn

Cho ý kiến cụ thể về các giải pháp kiểm soát, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đề nghị quy trình cán bộ cần phải dân chủ, công khai, minh bạch, đánh giá cán bộ đúng và thực chất. Phải kiểm tra từng khâu khi thực hiện và nâng cao năng lực giải trình, trách nhiệm người đứng đầu. Trong khi đó, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, vừa qua Đảng ủy Công an T.Ư đã phối hợp với Bí thư và thường trực các địa phương đánh giá năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của một số Giám đốc Công an ở các địa phương. “Đây là việc từ trước đến nay hầu như không làm mà thường có lên không xuống, có ra không vào” - Thứ trưởng Bộ Công an nói và cho rằng: Phải nhận diện quyền lực nằm ở đâu trong công tác tổ chức cán bộ. Quyền lực rất dễ nhận dạng, từ công tác quy hoạch, bổ nhiệm đến tuyển dụng, đề bạt, luân chuyển.

Đồng tình quan điểm này, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho rằng, cần coi trọng công tác cán bộ thường xuyên, đột xuất, tham mưu, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ và quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là lãnh đạo chủ chốt. Phải rà soát kỹ lưỡng, căn cứ tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình chặt chẽ, đúng nguyên tắc. "Về cơ chế kiểm soát quyền lực, vừa qua không đủ công cụ kiểm soát nên bị lợi dụng, tha hóa, biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho. Bây giờ phải xây dựng quy chế, quy định của Đảng, luật pháp hóa, đồng thời công khai, minh bạch. Còn nếu để một vài người sử dụng quyền lực sẽ tha hóa" - Trưởng ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh.

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng: Rõ trách nhiệm người ký quyết định bổ nhiệm

Quyền lực có hai hướng, một hướng nắm quyền lực thông qua bầu cử. Những người tham gia bầu cử giám sát và tỏ thái độ; một hướng quyền lực được giao trên cơ sở bổ nhiệm, đòi hỏi trách nhiệm của những người quyết định vấn đề bổ nhiệm đó. Nếu bổ nhiệm không đúng, cấp trên sẽ xử lý kỷ luật người ra quyết định. Vì vậy, để kiểm soát quyền lực cần bổ sung những quy định cụ thể. Một là thông qua cơ chế những người đi bầu giám sát; hai là thông qua hệ thống quản lý cán bộ quy định trách nhiệm của từng cấp và được giám sát bởi quần chúng, cấp trên, thanh tra, kiểm tra để xử lý.