Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cố gắng để người lao động nào cũng có Tết

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về thưởng Tết Tân Sửu năm 2021 cho người lao động (NLĐ), Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, Tổng Liên đoàn đang nắm bắt việc DN trả lương, thưởng và huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho NLĐ.

 Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng 
Thưa ông, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có khảo sát về tình hình các DN thưởng Tết cho NLĐ như thế nào?

- Lâu nay, thưởng Tết đã trở thành văn hóa của DN đối với NLĐ. Tiền lương và tiền thưởng phụ thuộc vào sức khỏe của DN. Năm 2020 là năm khó khăn nhất trong mấy thập kỷ qua, do dịch Covid-19 bùng phát nên hầu hết các DN gặp khó khăn. Tuy nhiên, qua nắm bắt của chúng tôi, những DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những DN ở khu công nghiệp đều có cam kết giải quyết tiền thưởng cho NLĐ. Tất nhiên, mức thưởng không cao nhưng họ vẫn cố gắng là 1 tháng lương theo ký kết hợp đồng lao động. Đối với những DN khó khăn có thể phải nợ lương nhưng cũng đang cố gắng có khoản thưởng Tết cho NLĐ.

Những loại hình DN nào gặp khó khăn trong việc thưởng Tết cho NLĐ?

- Thực ra, những DN nhỏ và siêu nhỏ, các năm trước chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã gặp khó khăn về thưởng Tết. Năm nay, do dịch Covid-19, loại hình DN này càng khó khăn hơn. Cho nên công đoàn các cấp đã xác định tập trung chăm lo cho đoàn viên công đoàn ở các DN này, kể cả NLĐ chưa là công đoàn viên có khoản tiền thưởng Tết.

Ông có thể nói rõ hơn việc tổ chức Công đoàn sẽ chăm lo cho NLĐ ra sao trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu?

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xác định năm nay nắm bắt việc DN trả lương, thưởng cho NLĐ. Bên cạnh việc vận động chủ sử dụng lao động đảm bảo chính sách cho NLĐ, Tổng Liên đoàn huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho NLĐ, nhất là lao động bị mất việc làm, NLĐ có thu nhập bị giảm sâu để tất cả mọi NLĐ đều có Tết.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn đã quán triệt và giao cho các cấp công đoàn nắm bắt tình hình cụ thể, thương lượng với chủ sử dụng lao động để xây dựng quy định thưởng Tết và sớm công bố cho NLĐ biết. Công đoàn cơ sở cũng phải nắm bắt tình hình quan hệ lao động, nhất là những DN phá sản, DN bỏ trốn, nếu thực sự họ không tồn tại thì cùng các cấp, tổ chức có trách nhiệm để giải quyết theo tinh thần tất cả NLĐ có cái Tết đầy đủ, ấm cúng và tiết kiệm.

Thưa ông, từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động có hiệu lực, ngoài thưởng Tết bằng tiền, chủ sử dụng có thể thưởng bằng tài sản hoặc hình thức khác. Liệu có tình trạng DN không bán được hàng sẽ thưởng sản phẩm sản xuất ra cho NLĐ nhưng lại không phải là hàng thiết yếu dùng trong ngày Tết?

- Quy định mới này trong Bộ luật Lao động phù hợp với cơ chế thị trường và thực tiễn hiện nay khi có nhiều DN thưởng bằng tiền và hiện vật có giá trị. Thế nhưng không loại trừ khả năng DN thưởng cho NLĐ sản phẩm cũng là cách để tiêu thụ hàng. Giả sử DN quá khó khăn, không có tiền mặt thì NLĐ cũng phải chấp nhận. Vấn đề là DN không được lợi dụng quy định này để gây khó khăn, buộc NLĐ phải nhận. Hơn nữa, trong Luật còn có quy định thêm, đó là người sử dụng lao động phải xây dựng quy chế thưởng, có sự tham gia của tổ chức công đoàn và công khai cho NLĐ biết.

Qua đây, tôi nhấn mạnh đến tiền lương và tiền thưởng phụ thuộc vào tình hình sản xuất – kinh doanh của DN. Trong bối cảnh năm nay khó khăn, chúng tôi mong muốn NLĐ có sự sẻ chia, cùng đồng hành với người sử dụng lao động để vượt qua. NLĐ phải xác định năm nay có cái Tết đầm ấm nhưng đảm bảo tiết kiệm. Khi DN vượt qua khó khăn, họ sẽ có điều kiện để quan tâm, chăm lo tới NLĐ.

Một lần nữa, tôi muốn nhắc lại việc, NLĐ nào có khó khăn, hãy liên hệ với tổ chức công đoàn cơ sở để được hỗ trợ. Với những NLĐ không có điều kiện về quê ăn Tết, tổ chức công đoàn có những giải pháp hỗ trợ thêm để họ có cái Tết ấm cúng, sum vầy, tiết kiệm bên gia đình.

Xin cảm ơn ông!