Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cô giáo giàu nhiệt huyết với công tác dân phố

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ở tuổi 59, cô Nguyễn Thị Tỵ (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn giữ được nụ cười tươi trẻ, thái độ lạc quan, dịu dàng khi trò chuyện với mọi người. Có lẽ bí quyết của cô nằm một phần ở tình yêu thương đối với học trò cũng như sự tâm huyết trong công tác tại Tổ dân phố số 4.

Giáo viên chủ nhiệm tận tụy

Ra trường năm 1975, cô Nguyễn Thị Tỵ được phân công về giảng dạy tại trường THCS Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội, sau đó là trường THCS Dương Nội. Năm 1982, cô được bầu làm Chủ tịch Công đoàn trường và được tín nhiệm công tác này cho tới ngày nghỉ hưu. Trong thời gian công tác, cô Tỵ nhiều năm được nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, lớp đạt tiên tiến xuất sắc…Khi đã về hưu, cô được mời về dạy gia sư môn Toán cho nhiều thế hệ học trò, có gia đình cô đã dạy cả bố mẹ, anh chị, hiện tại là con cái họ.

 
Cô giáo giàu nhiệt huyết với công tác dân phố - Ảnh 1
 
Cô giáo Nguyễn Thị Tỵ luôn giữ nụ cười tươi trẻ, tinh thần lạc quan để vượt qua mọi khó khăn trong công việc và cuộc sống.

Cho đến tận bây giờ, khi đã nghỉ hưu được hơn 3 năm nhưng cô giáo giữ cương vị chủ nhiệm lớp suốt 34 năm luôn nhớ tới những học trò cũ. Cô vẫn khóc khi kể về Nguyễn Thị Hà. Vì gia đình khó khăn nên không có tiền để đóng Bảo hiểm y tế cho Hà, cô Tỵ đã ứng tiền lương để đóng bảo hiểm y tế cho em Hà suốt năm học lớp 6.

Đồng lương giáo viên còn hạn hẹp, cô không thể đóng bảo hiểm y tế cho em Hà trong năm học sau. Lên lớp 7, Hà đột ngột bị bệnh suy tủy. Vì gia đình không tham gia đóng bảo hiểm y tế cho em nên việc chữa chạy cho Hà gặp vô vàn khó khăn. Cô Tỵ cùng tập thể lớp quyên góp hơn 1 triệu đồng. “Ngày gặp em trong viện, cô trò nhìn nhau, nước mắt chảy dài mà không nói lên lời. Cô động viên em cố gắng để đến lớp, chỗ ngồi của em vẫn giữ nguyên, các bạn vẫn đợi em đến trường. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, Hà đã qua đời”, cô Tỵ nhớ lại.

Tổ trưởng dân phố giàu tinh thần trách nhiệm

Tháng 4 năm 2009, trở về địa phương, cô Tỵ được tín nhiệm bầu làm Tổ phó Tổ dân phố số 4, phường Nguyễn Trãi. Cuộc sống của một giáo viên về hưu trở nên bận rộn hơn. Ngoài việc phụ đạo cho học sinh, cô còn thường xuyên sát cánh cùng người dân ở khu phố trong những công việc được giao phó. Dù trưa, tối, dù trời mưa, gió, cô vẫn đến từng hộ dân thuyết phục các gia đình tham gia vào hoạt động tại địa phương.

Sau 6 tháng đảm nhiệm vai trò mới, cô tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cán bộ, nhân dân khu dân cư số 4. Đến tháng 10/2009, cô chính thức tiếp nhận chức Tổ trưởng Tổ dân phố. Trên cương vị mới, cô Tỵ luôn trăn trở với tâm niệm “làm sao để được dân quý, có được lòng tin của dân” khi công tác ở tổ dân phố có hơn 270 hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu, trình độ dân trí không đồng đều, trong đó, trên 75% hộ kinh doanh. 
 
Làm công tác vận động quần chúng tham gia công việc chung của khu dân cư, chính quyền, đôi khi, cô nhận được những câu nói: “Cô làm thế này thì lương tháng được mấy triệu hả cô?”, “Việc gì cô cũng ôm, việc gì cô cũng tham…”. Người phụ nữ đã ỏ tuổi gần 60 ấy đã không ít lần phải kìm lòng, bình tĩnh, nhẹ nhàng thuyết phục mọi tầng lớp nhân dân tham gia, giúp đỡ vào công việc mà chính quyền giao phó.

Cuối năm 2010, sau khi đã được nhiều người dân tín nhiệm, cô Tỵ mới cảm thấy gắn bó hơn với công việc Tổ trưởng Tổ dân phố. Cô Tỵ đã động viên người dân cùng chung tay ủng hộ, giúp đỡ gia đình chính sách Nguyễn Thị Cúc (21 Trưng Nhị), gia đình cụ già neo đơn Đinh Thị Sơn… Đến nay, Tổ dân phố số 4 cơ bản không còn hộ nghèo và cận nghèo.
 
Cô giáo giàu nhiệt huyết với công tác dân phố - Ảnh 2
 
Cô Tỵ trò chuyện cùng bà con trong tổ dân phố số 4.

Năm 2012, cô Tỵ nhiều lần tham gia hòa giải tranh chấp đất đai giữa các thành viên trong gia đình ông Ngô Văn Luân, bà Nguyễn Thị Luận ở số 1 Bà Triệu, gia đình ông Nguyễn Văn Hiệu ở số 40 Trần Hưng Đạo… Tháng 6 năm 2012, cô giáo Nguyễn Thị Tỵ nhận được sự tín nhiệm của 100% của nhân dân trong khu dân cư để tái nhiệm chức vụ Tổ trưởng Tổ dân phố số 4.
Bằng kinh nghiệm của một giáo viên, cán bộ công đoàn luôn linh hoạt - cô Tỵ chia sẻ: “Bản thân cô cũng không ngờ mình đủ nghị lực để hoàn thành mọi công việc được giao! Dù sai hay đúng, mình đều nhận sai về mình, không bao giờ cáu gắt. Luôn tôn trọng mọi người, sống gần dân, sát dân”.

Với những người thường được gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như cô Nguyễn Thị Tỵ, thời gian dành cho gia đình, bản thân càng hạn hẹp. “Hạnh phúc nhất của cô là bên bữa cơm gia đình. Trong bữa cơm, cô có thể kể về khó khăn, thuận lợi trong công việc của ngày hôm nay. Cô nhận được sự cảm thông của người thân, đặc biệt là sự động viên yêu thương, chỉ bảo ân cần của người mẹ đã gần 90 tuổi.” - cô Tỵ tâm sự.

Với sự nhiệt tình trong công việc cô Tỵ được tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”, “Tổ trưởng Tổ dân phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”...