Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có hạn chế được biến tướng của chầu văn?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê chưa đầy đủ cho thấy số lượng thanh đồng đã ở con số ngàn, lại thêm những biến thái của chầu văn như hiện tượng "đồng đua", "đồng đú"; hiện tượng "Hà Nội hóa chầu văn"…

Thực trạng trên khiến không ít người cho rằng, cần phải cấp chứng chỉ hành nghề cho các thanh đồng để quản lý và giữ cho chầu văn "đi" đúng "chuẩn".

Một việc làm khó

Sau Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội đầu tháng 10, mới đây nhất (ngày 21/10), Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam, lại quy tụ các thanh đồng từ nhiều tỉnh, thành cả nước trong Cuộc thi khảo sát nghi lễ chầu văn. Những thanh đồng đảm bảo năng lực ở 3 nội dung: Kiểm tra kiến thức, thực hành và kiểm tra tổng hợp sẽ được cấp chứng chỉ đã hoàn thành cuộc khảo sát của Hội. Người ta hy vọng chứng chỉ mà Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam cấp cho những người đoạt giải sẽ tựa như "chứng chỉ hành nghề" nhằm sàng lọc những đối tượng lợi dụng cơ hội để trục lợi từ nghi lễ này. Tuy nhiên, từ 3 đợt khảo sát về thực hành nghi lễ chầu văn với khoảng 200 thanh đồng của Thái Bình, Hà Tĩnh, Hà Nội, cho thấy lượng thanh đồng có trình độ đạt "chuẩn" để được trao chứng chỉ chỉ vẻn vẹn 20 người (tức là 10%). Nhóm những thanh đồng được xem là "điêu luyện", đủ tự tin để ra ứng thí, mà số lượng đạt yêu cầu chỉ thế, thì với đại trà các thanh đồng đang "hành nghề" tại các đền, điện, phủ… con số này sẽ giảm đi thế nào?

 
Nghi lễ hầu đồng tại đền Kim Giang, quận Thanh Xuân sáng 25/9.
Nghi lễ hầu đồng tại đền Kim Giang, quận Thanh Xuân sáng 25/9.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, ở Hà Nội (khi chưa mở rộng địa giới hành chính) đã có 83 đền, phủ thờ Mẫu, cùng rất nhiều điện thờ ở tư gia của các ông, bà đồng, các điện thờ Mẫu ở hầu hết các ngôi chùa theo mô thức "Tiền Phật, hậu Mẫu". Mỗi "địa chỉ" ấy lại có một ông (bà) đồng chủ trì, nếu tính gộp lại thì nơi thờ Mẫu (cũng là nơi có thể diễn ra nghi lễ chầu văn) - tương đương với các thanh đồng - lên tới con số hàng trăm. Ở các TP lớn như Huế, TP Hồ Chí Minh… cũng tương tự, vậy thì con số các thanh đồng cả nước phải lên tới hàng ngàn. Điều đáng nói là bên cạnh những thanh đồng đúng nghĩa lại xuất hiện ngày càng nhiều loại "đồng đua" (còn gọi là "đồng đú") dựa vào tín ngưỡng của chầu văn để thực hiện những mục đích cá nhân. Thế nên, chắc chắn không phải thanh đồng nào cũng sẵn sàng ghi tên trong cuộc khảo sát để có thể thực hành nghi lễ chầu văn một cách công khai. Nghĩa là nếu dựa vào chứng chỉ để quản lý chầu văn sẽ không triệt để. 

Quản lý cách nào?  

Những người làm văn hóa đang nỗ lực trong tiến trình lập hồ sơ trình UNESCO công nhận chầu văn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ai cũng hiểu, ý tưởng ấy chỉ có thể thành hiện thực khi kiểm kê được di sản chầu văn, quản lý được nó và có chương trình hành động cụ thể để bảo tồn, phát huy di sản trong đời sống đương đại. Vậy phải quản lý hoạt động này thế nào giữa xu hướng "nở rộ" các thanh đồng hiện nay?

Câu hỏi này đã được nhà quản lý văn hóa đi tìm mấy năm nay, điển hình là qua các hội thảo, tọa đàm, liên hoan, khảo sát… Đứng ở góc độ của thanh đồng, ông Hoàng Tiến Hưng - chủ nhang đền Thiên Tiên Thánh Mẫu và Linh quang Điện Mộc Ân (quận Tây Hồ) từng bày tỏ mong muốn có một tổ chức đứng ra quản lý, cấp phép hành nghề, đưa ra nội quy hoạt động cụ thể cho nghi lễ hầu đồng. Cùng với đó cần có sự chọn lựa thứ bậc để phân bổ trông coi các đền, phủ, miếu mạo. Bà Nguyễn Thị Bích Loan - chủ nhang Tân La Vọng Từ (quận Đống Đa) đề xuất: "Đã đến lúc các nhà chuyên môn, quản lý và bản thân các nhóm hầu đồng cần phải đưa ra một bộ tài liệu mang tính chất chuẩn mực về sứ mệnh của các thanh đồng và phép tắc hầu thánh trong Đạo Mẫu".

Còn ở góc độ của người làm khoa học, bà Mai Thị Hạnh (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, không quản lý được đời sống tâm linh, nhưng có thể quản lý được con người - những con người có đời sống tâm linh và tác động đến hành vi cũng như suy nghĩ của họ thông qua việc quản lý vai trò của đồng thầy. Cụ thể là các cấp chính quyền cần có những biện pháp để chuẩn hóa lại đồng thầy, có thể quy định một mức độ hiểu biết nhất định cho thanh đồng khi muốn phấn đấu thành đồng thầy. "Khi đã trở thành đồng thầy, họ có trách nhiệm giáo hóa đối với chính bản hội, xã hội và với các cấp chính quyền sở tại" - bà Hạnh khẳng định.

Đấy là những đề xuất được nhìn từ thực tế đáng để tham khảo. Tuy nhiên, đúng như TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) - người rất hiểu di sản Việt Nam, phân tích: Vai trò của Nhà nước (chính là vai trò quản lý) trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghi lễ chầu văn cần được cụ thể hóa ở việc ủng hộ những sáng kiến hay của các nhóm chầu văn trong việc đưa di sản văn hóa này vào đời sống. Tất nhiên, những sáng kiến này cần được xem xét một cách nghiêm túc từ một hội đồng khoa học.