Nhiều cam kết “thoáng”
Liên minh Kinh tế Á - Âu bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan chủ yếu nhập khẩu (NK) từ Việt Nam các mặt hàng dệt may, thủy sản, giày dép, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả, máy vi tính và các sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện... Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 3 ngành được lợi nhất từ FTA là thủy sản, dệt may, da giày. Vì ngay sau khi ký kết, phía Liên minh đã quyết định giảm thuế suất về 0%, riêng dệt may có một số nhóm hàng được giảm thuế 0%, còn một số khác sẽ giảm theo lộ trình 3 - 5 - 10 năm.
Không những vậy, dệt may còn được áp dụng quy tắc xuất xứ một công đoạn. Bà Nguyễn Khánh Ngọc - đại diện Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) giải thích, với tình hình các DN Việt Nam hiện nay chỉ mới phát triển ngành may, trong khi công đoạn dệt và nhuộm còn gặp nhiều khó khăn thì việc áp dụng quy tắc xuất xứ một công đoạn là một thuận lợi lớn, và tương đối “thoáng” so với các FTA khác mà Việt Nam tham gia ký kết.
Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương. Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải...Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu, các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.
Vẫn còn rào cản ngôn ngữ và kỹ thuật
Bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngôn ngữ đang là một trong những rào cản với DN của hai bên. Các nước trong Liên minh sử dụng tiếng Nga nhưng hiện, số người Việt thông thạo tiếng Nga không nhiều. Tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn trước mắt, về lâu dài, những DN có xu hướng mở rộng thị trường sang Liên minh sẽ phải đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự có trình độ và hiểu biết về quy định pháp luật của khu vực kinh tế này.
Bên cạnh đó, dù được cho là ngành có lợi thế lớn khi Việt Nam tham gia FTA với Liên minh, song bà Dung lo ngại cơ chế phòng vệ ngưỡng (trigger) đối với dệt may sẽ khiến ngành này khó tăng được kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, mỗi nước thành viên khi tham gia FTA đều đề ra một hạn mức NK cố định và khi sản lượng NK chạm ngưỡng quy định, các nước sẽ tiến hành đánh giá mức tác động của mặt hàng đó đối với thị trường sở tại, sau đó mới quyết định xem áp mức thuế cao hơn hay giữ nguyên thuế suất 0% như ban đầu. Với dệt may, FTA đưa ra ngưỡng hạn chế là 2 lần bình quân 3 năm gần đây. “Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc Liên minh trong mấy năm qua rất thấp, nếu gấp 2 lần cũng chỉ dưới 1 tỷ USD. Vấn đề này phải sau 3 năm mới xem xét lại, và 5 năm tiếp theo xem xét một lần nữa. Các DN rất quan ngại cơ chế này” – bà Dung nói. Không vậy, ngành đồ gỗ cũng thuộc nhóm mặt hàng áp dụng cơ chế này. Cũng theo bà Dung, FTA có nhiều cam kết “thoáng” nhưng cũng sẽ có những quy định “bất thành văn” mà các DN Việt Nam phải trải nghiệm và vượt qua khi bước chân tới thị trường này.
Với riêng ngành thép, các chuyên gia cảnh báo đây sẽ ngành chịu thách thức lớn do phải cạnh tranh với các DN thuộc những cường quốc thép nhất nhì thế giới, điển hình là Nga. Mặc dù có dư địa hỗ trợ ngành này trong giai đoạn đầu nhưng về lâu dài, tự bản thân DN thép phải tăng năng lực sản xuất, liên tục có chính sách giá bán phù hợp để cạnh tranh với DN nước ngoài.
Lời khuyên dành các DN là cần chủ động nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế liên quan đến lĩnh vực của mình, thường xuyên cập nhật thông tin NK của từng mặt hàng để biết được thời điểm chạm ngưỡng cảnh báo cũng như những thay đổi trong biểu thuế.
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
|
Theo Bộ Công Thương, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18 - 20%/năm. |