Dù không phải là lần đầu tiên Athens đảm nhiệm trọng trách quan trọng này nhưng trong lúc EU đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị viện vào tháng 5 tới, đây là cơ hội để Hy Lạp chứng tỏ mình là thành viên bình đẳng của EU, có khả năng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch khối này trên danh nghĩa của 28 nước thành viên. Theo Ngoại trưởng Hy Lạp Evangelos Venizelos, 2014 là năm có bước ngoặt lớn khi Hy Lạp tìm cách thoát khỏi khủng hoảng và EU bắt đầu bước vào cuộc tranh luận về tương lai của khối này với các cuộc bầu cử quan trọng.
Đặc biệt, Athens đã cam kết sẽ tìm kiếm các mô hình phát triển mới cho Liên minh châu Âu nhằm cải thiện tình trạng thất nghiệp và thu nhập thấp tại nhiều quốc gia thành viên, vốn đang phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Trên thực tế, sau 6 năm chìm trong suy thoái, nền kinh tế Hy Lạp đang dần "hồi sinh" và nhiều khả năng Athens sẽ chấm dứt thỏa thuận cứu trợ của các chủ nợ quốc tế trong 2014 và không cần thêm các khoản cứu trợ mới. Đây được coi là động lực để trong lần thứ 5 giữ cương vị Chủ tịch EU, Hy Lạp sẽ hoàn thành tốt vai trò của mình, với việc phải tổ chức thành công ít nhất 14 hội nghị cấp bộ trưởng trước khi chuyển giao nhiệm vụ cho Italia.
Quyền Thủ tướng Latvia Valdis Dombrovskis trở thành người Latvia đầu tiên dùng đồng Euro. Ảnh: Reuters
|
Trong khi đó, với Latvia, việc trở thành thành viên thứ 18 của Eurozone được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút đầu tư, tạo việc làm, tạo nguồn thu thuế và nhiều lợi ích khác cho đất nước vùng Baltic này. Vậy là sau 10 năm gia nhập EU, những nỗ lực trong kiềm chế lạm phát và cắt giảm nợ của quốc gia này đã được đền đáp khi Eurozone tiếp nhận. Dù một số người dân Latvia không muốn từ bỏ đồng nội tệ, vốn được coi là một biểu tượng mạnh mẽ cho nền độc lập thì việc quốc gia Baltic này chính thức sử dụng đồng Euro được coi là một thắng lợi kép. Với EU, nỗ lực đầy ấn tượng của Latvia để gia nhập Eurozone giúp định chế này đỡ "muối mặt" sau màn "quay lưng" của Ukraine. Với giới chức Latvia, việc làm sâu sắc thêm sự hội nhập với phương Tây, đã giúp nước này nhận được "phần thưởng" là khoản cứu trợ trị giá 10,3 tỷ USD để tránh vỡ nợ.
Điều đáng nói là Hy Lạp và Latvia đều là các quốc gia "vùng trũng" - nghèo khó và chậm phát triển hơn phần còn lại của châu Âu nên việc gia nhập Eurozone hay đảm nhiệm cương vị Chủ tịch EU là cơ hội cho các quốc gia này tăng cường vị thế. Đây cũng là cơ hội vàng để Eurozone củng cố sức mạnh và nâng cao vai trò vốn đang bị lu mờ trên bản đồ chính trị quốc tế do suy thoái và khủng hoảng nợ.