Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội của Việt Nam từ đại dịch Covid-19

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ousmane Dione mới đây đưa ra nhận định rằng, dịch bệnh Covid-19 có thể là chất xúc tác giúp Việt Nam đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, thông qua sự nhập cuộc nhanh chóng của Chính phủ và người dân thời gian qua. Báo Kinh tế & Đô thị xin trích đăng bài viết của ông Ousmane Dione khi nói về những cơ hội của Việt Nam trước đại dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 khiến xu hướng đi chợ tại nhà lên ngôi. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Nhiều ứng dụng số triển khai hiệu quả
Không chỉ được biết đến là một quốc gia triển khai hàng loạt các biện pháp quyết liệt và đang kiểm soát dịch bệnh khá hiệu quả, Việt Nam còn được biết đến với việc rất nhiều biện pháp y tế cộng đồng đã nhanh chóng được triển khai hiệu quả nhờ sự hỗ trợ của CNTT.
Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu thế về mức độ người dân sử dụng điện thoại di động (150%) và mạng Internet (70%). Các thông tin và cảnh báo từ nhà chức trách về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch thường xuyên được nhắn cho người dân và cập nhật trên các trang web, mạng xã hội. Một số ứng dụng trên điện thoại để khai báo y tế và theo dõi tình hình dịch bệnh cũng được sử dụng.
Những phương thức tiếp cận người dân kịp thời và liên tục chỉ là một trong rất nhiều ích lợi mà công nghệ thông tin có thể mang lại trong bối cảnh dịch bệnh. Khi xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm, biện pháp “giãn cách xã hội” - hay cụ thể là nỗ lực hạn chế tiếp xúc trong cộng đồng để làm chậm và hy vọng dừng hẳn việc dịch bệnh lây nhiễm - được cho là một trong những phương thức hiệu quả nhất ngăn chặn sự lây lan của virus. Những biện pháp này sẽ làm gián đoạn cuộc sống thường nhật của tất cả mọi người nhưng sự trợ giúp của công nghệ thông tin đem lại một cách thức mới để thích ứng dễ hơn với tình trạng “bình thường mới” này.
Công nghệ thông tin là nền tảng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và giao hàng tận nơi, đây là những hoạt động rất cần thiết trong tình hình dịch bệnh. Người dân Việt Nam có thể thực hiện nhiều giao dịch trên mạng và họ tận dụng dịch vụ này triệt để hơn kể từ khi dịch bệnh nổ ra. Lượng truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cổng thông tin tiếp nhận và xử lý các dịch vụ công cơ bản của người dân, tăng đột biến trong thời gian gần đây. Theo số liệu của chính phủ, số lượt truy cập nhảy vọt từ 11 triệu lượt vào cuối tháng 1 lên 28 triệu lượt vào cuối tháng 3. Trong tháng 3, số lượng các giao dịch trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ cũng tăng gấp đôi, lên hơn 23.000 giao dịch.
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Giữa giai đoạn khủng hoảng, Việt Nam có thể giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế hiệu quả hơn nữa nếu hạ tầng kỹ thuật số được phát triển ở quy mô đầy đủ. Trong quốc gia số Việt Nam này phần lớn dịch vụ công được xử lý trực tuyến, thay vì số lượng còn ít như hiện nay; hệ thống căn cước số đáng tin cậy để hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ tài chính điện tử và các nền tảng khu vực tư nhân khác; nền tảng học trực tuyến cho học sinh ở tất cả các bậc học, bao gồm các trường công với nguồn lực hạn chế, để tạo điều kiện cho học sinh được học tập trong trường hợp gián đoạn năm học trong thời gian dài do trường học đóng cửa; rút gọn và thực hiện hiệu quả các thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và ODA (đây là các nguồn lực quan trọng để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế trong bối cảnh nhiều rủi ro); phát triển chương trình bảo trợ xã hội trên nền tảng công nghệ thông tin nhằm tiếp cận các đối tượng dễ tổn thương và các DN ở các vùng sâu, vùng xa…
Và còn nhiều điều nữa. Chính phủ Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm đối với tiến trình chuyển đổi số. Nỗ lực xây dựng nhiều hệ thống Chính phủ điện tử như Cổng Dịch vụ công Quốc gia hay Trục liên thông văn bản quốc gia, cùng nhiều sáng kiến khác đang được thực hiện để đẩy mạnh việc sử dụng các hệ thống trên giữa bối cảnh đại dịch là rất đáng ghi nhận…
Covid-19 là một bài kiểm tra đối với tất cả các hệ thống, từ cấp quốc gia cho tới cá nhân, cho thấy cả ưu điểm và khuyết điểm. Đây là lời nhắc nhở rằng Việt Nam có thể tận dụng nhiều cơ hội hơn nữa từ các dịch vụ số và phải đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tiến trình số hóa.