Đó là khẳng định của ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc HPA trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bên lề ICS 2015.
Thưa ông, CNHT của Việt Nam hiện nay chưa phát triển, phần lớn nguyên phụ liệu sản xuất đều phải nhập khẩu. ICS 2015 sẽ có tác động thế nào đến việc phát triển CNHT của Việt Nam?
- ICS 2015 là một trong những hoạt động lớn của TP Hà Nội, qua đó tạo cơ hội giao thương lớn trong lĩnh vực CNHT, giúp các DN CNHT của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung có thêm cơ hội tiếp cận các công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý hiện đại và nâng cao năng lực điều hành sản xuất, kinh doanh. Qua đó, DN sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các nhà lắp ráp và nhập khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, tiến tới hợp tác lâu dài và bền vững trong tương lai, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay.
TP Hà Nội xác định trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc phát triển CNHT là một trong những nhiệm vụ chủ yếu. Vậy, vai trò của ngành CNHT đối với phát triển kinh tế của Hà Nội như thế nào, thưa ông?
- Việt Nam là nước đang phát triển, do vậy CNHT có vai trò rất quan trọng. Trước hết, CNHT thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do CNHT tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyên môn hóa, sử dụng công nghệ mới tiên tiến và hiện đại góp phần thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và tham gia xuất khẩu giá trị lớn.
Đối với Hà Nội, CNHT càng có vị trí và vai trò quan trọng, bởi ngành công nghiệp này là nguồn cung ứng đầu vào để hình thành, phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. CNHT là nhân tố rất quan trọng để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp Hà Nội cũng như cả nước, góp phần chủ động về nguồn cung ứng cho các nhà sản xuất, giảm bớt chi phí vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, tận dụng được nguồn nhân công và nguyên liệu tại chỗ. Đặc biệt, CNHT còn có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, hình thành các sản phẩm công nghiệp có giá trị cao, kim ngạch xuất khẩu lớn, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020, sản phẩm CNHT phải đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương và TP Hà Nội cần có những giải pháp nào hỗ trợ DN, nhất là DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực CNHT phát triển?
- Theo tôi, trong thời gian tới, UBND TP cần ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù cho CNHT theo nhóm ngành; Hỗ trợ DN sản xuất CNHT có quy mô vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao trình độ quản lý và tiếp cận với máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất tiến tiến, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm đạt đến trình độ tương xứng trong khu vực ASEAN và quốc tế, từ đó tăng cường tỷ lệ nội địa hóa dần thay thế linh phụ kiện nhập khẩu. Tăng cường xúc tiến chuyển giao những công nghệ mới theo hướng sử dụng tiết kiệm mặt bằng sản xuất, năng lượng, sử dụng ít nguyên liệu đầu vào cũng như nhân công lao động.
Trước mắt, với chức năng mà UBND TP giao phó, HPA phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội DN CNHT Hà Nội khảo sát các DN CNHT trên địa bàn TP, nhằm nắm bắt nhu cầu của DN CNHT, từ đó sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ DN phù hợp và hiệu quả nhất.
Xin cảm ơn ông!