Đó là nhận định của ông Jean Jacques Bouflet - Trưởng bộ phận thương mại & kinh tế Phái đoàn EU tại Việt Nam tại Hội thảo "Thách thức trong năm 2013: Hướng tới Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Tiềm năng rất lớn
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, EU là đối tác lớn nhất của Việt Nam, trong đó năm 2011 và 2012 là thị trường lớn thứ 2 cho hàng hóa Việt Nam (9 tháng đầu năm, EU đã nhập khẩu (NK) 14,4 tỷ USD từ Việt Nam, trong khi lượng hàng Việt Nam vào Mỹ - thị trường lớn nhất của hàng Việt, là 14,7 tỷ USD). EU cũng trở thành nhà cung cấp quan trọng về nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam trong nhiều năm với số tiền lên đến 1,04 tỷ USD.
EU là đối tác nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam .Ảnh minh họa: Internet
"Tuy nhiên, quan hệ thương mại song phương chưa tương xứng tiềm năng rất lớn. Thị trường EU với 27 nước thành viên, 500 triệu người tiêu dùng đang mở ra rất nhiều cơ hội cho các sản phẩm Việt Nam. EU có nhu cầu lớn với các sản phẩm dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản… đây là những sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam" - ông Bouflet khẳng định.
Theo Bộ Công Thương, để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, hiện Việt Nam và EU đang tiến hành các cuộc đàm phán FTA. Tới đây, hai bên sẽ tiếp tục các vòng đàm phán luân phiên tại Việt Nam hoặc Bỉ, trong đó phía Việt Nam ngoài Bộ Công Thương còn có các bộ, ngành khác tham gia. Đáng chú ý, có những lĩnh vực mới, thậm chí Việt Nam chưa từng cam kết trong các FTA trước đây cũng như EU chưa đề cập trong FTA với các nước khác, sẽ được "đặt" lên bàn đàm phán như: Mua sắm công, sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường internet, hải quan…
Doanh nghiệp sẵn sàng “tâm thế” đón cơ hội
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), khi FTA Việt Nam - EU chính thức được ký, khả năng EU giảm thuế cho hàng Việt là rất lớn. Trong đó, sản phẩm giày dép, dệt may hay thủy sản, hiện XK từ Việt Nam sang EU phải chịu thuế 10 - 12%, khi FTA có hiệu lực sẽ đều được tự do hóa...
Bên cạnh những thuận lợi này, DN Việt cũng cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đáp ứng nhiều yêu cầu mới từ thị trường EU như yêu cầu về xã hội, môi trường… Chẳng hạn với mặt hàng thịt, EU đòi hỏi không chỉ sạch mà còn đáp ứng quy định về bảo vệ quyền lợi đàn gia súc. Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh ổn định, nhưng tận dụng cơ hội như thế nào là tùy thuộc sự cố gắng của chính DN. Để đáp ứng được những đòi hỏi mới từ phía EU, DN Việt cần tự bổ sung nhiều hơn các kỹ năng về pháp luật thương mại quốc tế.