Kinhtedothi - Ngày 11/11, Đại hội quảng cáo châu Á lần thứ 28 (AdAsia 2013) đã khai mạc tại Hà Nội. Theo các đại biểu, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các DN trong nước đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các DN nước ngoài, việc tái cấu trúc, thay đổi từ phương thức, con người đến công nghệ để phát triển là yêu cầu tất yếu trong lĩnh vực quảng cáo - truyền thông của Việt Nam.
Nhiều biển quảng cáo của các doanh nghiệp trên phố Xã Đàn. Ảnh: Quỳnh Anh
|
80% thị phần nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài
Việt Nam là một trong những nước có thị trường quảng cáo, truyền thông phát triển nhanh nhất thế giới. Trong giai đoạn 2009 - 2013, doanh thu của ngành truyền thông Việt Nam tăng gấp 3 lần và được kỳ vọng đạt mức 2,3 tỷ USD trong năm 2013. Tuy nhiên, điều đáng nói, 80% thị phần quảng cáo, truyền thông lại đang nằm trong tay hơn 20 công ty quảng cáo nước ngoài. Phần lớn trong số khoảng 5.000 DN cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam đều có quy mô nhỏ, chủ yếu thực hiện các công đoạn gia công, cung ứng dịch vụ phụ trợ…Ông Hoàng Hải Âu - Giám đốc Công ty CP Giải pháp thị trường Hoàng Gia cho rằng, nhiều tập đoàn quốc tế vẫn chưa tin vào trình độ nghiệp vụ của các công ty quảng cáo Việt Nam. Rất ít DN Việt Nam nhận được hợp đồng quảng cáo cho các tập đoàn lớn, nếu có cũng chỉ là hợp đồng phụ, thầu lại từ một đối tác nước ngoài. "Trong khi đó, khách hàng chủ yếu là các DN sản xuất của Việt Nam. Họ tin vào chất lượng quảng cáo trong nước nhưng lại không đủ tiền để trang trải mọi chi phí"- ông Âu bày tỏ.
Theo các đại biểu tham dự Đại hội, điểm yếu của các DN quảng cáo Việt Nam là chưa quan tâm đầu tư sáng tạo, chủ yếu thực hiện theo ý tưởng và đặt hàng của khách hàng. Trong khi tư duy quảng cáo của DN nước ngoài lại mang tính chiến lược dài hạn hơn.
Tái cấu trúc để không vuột mất cơ hội
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, với dân số 90 triệu người và doanh thu quảng cáo đạt khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, Việt Nam được đánh giá là một thị trường quảng cáo đầy tiềm năng. Bởi vậy, các DN quảng cáo Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới, tái cấu trúc và đầu tư nhiều hơn nữa. Trong tháng 11/2013, Thủ tướng sẽ ký các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo, tạo điều kiện để các DN đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng cáo, truyền thông.
Hiện nay, việc tái cấu trúc bằng mua bán, sáp nhập DN (M&A) đang là xu hướng được nhiều DN Việt Nam lựa chọn. Từ cuối năm 2008 đến nay, đã có 10 cuộc sáp nhập giữa công ty truyền thông Việt Nam và Tập đoàn truyền thông nước ngoài thông qua M&A hoặc liên doanh với các tên tuổi lớn trên thế giới như Tập đoàn WPP (trụ sở tại Ireland), Omnicom Group (trụ sở tại Mỹ)… Đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam tham gia trực tiếp cung cấp dịch vụ quảng cáo thay vì chỉ làm đại lý, nhà thầu phụ cho các công ty quảng cáo nước ngoài.
Theo ông Đinh Quang Ngữ - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - Phó Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội Quảng cáo châu Á, để không vuột mất cơ hội ngay trên chính "sân nhà" nói riêng và cơ hội quảng cáo tại châu Á nói chung, DN Việt Nam cần tái cấu trúc hai yếu tố. Thứ nhất, tái cấu trúc theo độ mở của nền kinh tế. Khi đất nước mở cửa, các DN, hàng hóa nước ngoài tràn vào kéo theo sự phát triển của ngành quảng cáo, truyền thông. Thứ hai, tái cấu trúc sự sáng tạo bằng cách đào tạo nhân sự bài bản và chuyên nghiệp. Ngành quảng cáo luôn đòi hỏi chuyên môn sâu, độ sáng tạo chuyên nghiệp nhưng hầu hết người làm quảng cáo tại Việt Nam đều không qua đào tạo, làm chỉ vì nhiệt tình, nên thường làm đến đâu hay đến đó.
Năm 2012, doanh thu quảng cáo toàn thị trường đạt 20.400 tỷ đồng; trong đó, truyền hình chiếm hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 136% so với năm trước, quảng cáo trên báo in và tạp chí giảm khoảng 8%, phát thanh giảm gần 20%. Quảng cáo trực tuyến hiện đang là xu thế quảng cáo mới được các DN, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa lựa chọn. |