Tuy nhiên, quy mô vốn cũng như sự liên kết, hợp tác trong đầu tư KNST tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hệ sinh thái này.
Nhiều thương vụ, đa dạng quỹ đầu tưTheo thống kê của Tổ chức Topica Founder Institute (TFI), năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư KNST với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016. Trong số đó, có 8 thương vụ thoái vốn thành công thông qua mua bán và sáp nhập (M&A) trị giá 128 triệu USD.
|
Các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp ở Hà Nội. |
Đến hết năm 2017 cũng đã có khoảng 40 quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam với phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài. Năm 2016 - 2017 chứng kiến sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế Việt Nam trong việc đầu tư cho startup như Quỹ đầu tư của FPT (FPT Ventures), Quỹ đầu tư của Viettel (Viettel Ventures), Quỹ sáng tạo CMC…
Các tổ chức thúc đẩy kinh doanh tiêu biểu tại Việt Nam có thể kể đến Vietnam Silicon Valley Accelerator (VSVA) được hỗ trợ bởi Bộ KH&CN; CLAS – Expara Vietnam Accelerator được đầu tư bởi Microsoft Việt Nam và quỹ đầu tư KNST tại Đông Nam Á Expara; Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) vừa là quỹ đầu tư KNST giai đoạn đầu vừa là tổ chức thúc đẩy kinh doanh với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty CP Chứng khoán BIDV. Số lượng các nhà đầu tư này tuy chưa nhiều nhưng bắt đầu có xu hướng tăng. Hầu hết đây là doanh nhân đã thành công mong muốn đầu tư cho startup ở thế hệ sau. Một số Việt kiều, du học sinh Việt tại nước ngoài đã và đang trở về Việt Nam tham gia vào đầu tư KNST như nhà đầu tư Nhân Nguyễn - kỹ sư thành danh ở Google đã thực hiện đầu tư vào một số startup Việt bao gồm: TechElite, JupViec, Beeketing, Ybox...; doanh nhân Đỗ Hoài Nam, startup từng thành công từ Thung lũng Silicon Hoa Kỳ, đã đầu tư vào HDViet, 5S Online…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng nguồn vốn đầu tư cho DN KNST tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với khu vực và trên thế giới. Số lượng thương vụ đầu tư vào Việt Nam tuy gia tăng nhưng hầu hết là các thương vụ nhỏ dưới 1 triệu USD, rất ít thương vụ nhận được đầu tư với số vốn hơn 10 triệu USD. Số lượng thương vụ M&A còn rất nhỏ; chưa có startup nào tiến hành được bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Làm gì để quỹ đầu tư thực sự là “bầu sữa” lớn?Để hỗ trợ các DN KNST thu hút được vốn đầu tư và có cơ hội phát triển, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Quyết định số 844/QĐ-TTg là nỗ lực đầu tiên ở quy mô quốc gia về hỗ trợ KNST, bao gồm các giải pháp, hoạt động nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Hành lang pháp lý cho hoạt động KNST và đầu tư KNST hiện đang từng bước hoàn thiện. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã quy định các nội dung chính về đầu tư cho KNST bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập DN đối với nhà đầu tư KNST và có cơ chế cho phép địa phương đối ứng đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo với các quỹ đầu tư tư nhân. Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 11/3/2018 về đầu tư cho KNST đã cho phép việc thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời, quy định việc sử dụng ngân sách địa phương cùng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017 cũng đã quy định nội dung cho phép sử dụng quỹ phát triển KH&CN tại DN để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho KNST.
Ngoài những chính sách có tác động trực tiếp đến nhà đầu tư, các chính sách liên quan đến phát triển hệ sinh thái KNST nói chung cũng rất được chú trọng trong việc thu hút đầu tư. TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cho rằng: "Chúng ta nói nhiều đến quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng phải đào sâu nghiên cứu về các quỹ này. Đồng thời tạo cơ chế khuyến khích các quỹ này để các nhà đầu tư tập trung vào sáng tạo ý tưởng cho khởi nghiệp. Nguồn vốn cho khởi nghiệp chính là "bầu sữa” giúp các startup thành công, tuy nhiên cần cách thức hợp lý hơn cho “bầu sữa” này phát triển”.
Với tiềm năng trên, nếu có những bước đi phù hợp để thu hút những nguồn lực này vào đầu tư tạo giá trị đột phá cho nền kinh tế, hệ sinh thái khởi nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ tạo được những thành tích ấn tượng.