Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có một V.League khôn lường

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến tận thời điểm này, V.League vẫn chưa thể xác định được danh tính của nhà vô địch mới. Khoảng cách quá mong manh giữa các đội bóng mang đến sự kịch tính và hấp dẫn cho sân chơi vốn đã bị tổn thương rất nhiều vì những sự cố liên quan đến trọng tài, bạo lực.

Bỗng dưng… hấp dẫn

Cách đây vài vòng đấu, V.League là một giải đấu đáng quên. Bạo lực thường trực ở mỗi vòng đấu. Và đỉnh cao của sự méo mó về giải đấu chính là công tác điều hành quá kém cỏi. Các trọng tài thường xuyên mắc lỗi khiến báo giới nổi sóng, dư luận chỉ trích và đội bóng thì bất bình ra mặt. Ban tổ chức giải phải chấp nhận làm trái nguyên tắc là xin lỗi đội bóng vì sai sót của trọng tài!

Thế nhưng, vài vòng đấu trở lại đây, V.League mang một diễn biến trái ngược. Các trận đấu bỗng trở nên hấp dẫn và kịch tính khi có quá nhiều ứng viên thăng hạng. Ngôi đầu bảng xếp hạng liên tục đổi chủ. Khoảng cách giữa các đội bóng chỉ là 1 - 2 điểm. Cá biệt, sau vòng đấu thứ 24, có 3 đội bóng cùng được 44 điểm. Đội bóng xếp thứ 4 trên bảng xếp hạng chỉ kém đúng 1 điểm. Giải đấu còn 2 vòng nữa mới kết thúc nên đến thời điểm này, chẳng ai dám khẳng định đội nào sẽ trở thành tân vương.
Một pha tranh bóng trong trận Than Quảng Ninh - Thanh Hóa.
Một pha tranh bóng trong trận Than Quảng Ninh - Thanh Hóa.
Giới chuyên môn nhận định, cuộc đua đến ngôi vị số 1 đang giúp V.League hấp dẫn nhất trong khoảng 10 mùa giải gần đây. Sự hấp dẫn ở đây không chỉ đến ở những cuộc đua kịch tính, khó đoán định mà còn xuất phát từ các ứng viên mới. Những đội bóng như Hải Phòng, Than Quảng Ninh vốn không được đánh giá cao từ đầu giải đang thực sự trở thành câu chuyện cổ tích lãng mạn ở một sân chơi vốn có thừa sự thực dụng.

Bàn thắng bù giờ

Các đội bóng với tham vọng và quyết tâm của mình đã giúp cho mùa giải 2016 về đích an toàn. Bởi, nếu sân chơi này khép lại với quá nhiều sự cố như hồi đầu giải thì các nhà tổ chức, khán giả sẽ tháo chạy. Khi ấy, Ban tổ chức giải và đơn vị quản lý bóng đá sẽ chịu nhiều áp lực từ dư luận. Nói đâu xa, khi V.League đang ở giai đoạn về đích, VFF đã nhận rất nhiều chỉ trích từ một số chuyên gia vì không có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải đấu. Họ quy trách nhiệm cho VFF về việc khán giả đến sân thi đấu ngày càng ít mà không hề quan tâm đến việc chất lượng các trận đấu khá cao.

Thế nhưng, áp lực từ dư luận đã bớt đi khi V.League đang khép lại bằng một cuộc đua tranh kịch tính, sôi động. Thậm chí, rất nhiều cơ quan truyền thông đã yêu cầu phải đánh giá một cách công bằng về bức tranh hiện tại của nền bóng đá. Rằng, không thể nói bóng đá Việt Nam đang chạm đáy, khủng hoảng khi V.League đang hấp dẫn và nhiều đội tuyển trẻ thành công. Sự phản biện, thậm chí bênh vực VFF trước những đợt tấn công từ một số người đã xuất hiện thời gian gần đây và đó là một tín hiệu đáng mừng với một tổ chức vốn trước nay được mệnh danh là "vua chịu đòn".

VFF đã có cho mình một bàn thắng vào phút bù giờ. Nhưng qua câu chuyện này mới thấy, sự sôi động hay không của nền bóng đá phần lớn phụ thuộc vào cách nhập cuộc của các đội bóng. Không thể có giải đấu thành công nếu người trong cuộc không tham vọng, thiếu trách nhiệm với phong trào chung. Thậm chí, sự tiêu cực hay không tiêu cực cũng phụ thuộc vào việc các đội bóng có nghiêm túc thực hiện cuộc chơi hay không. Nhìn rộng ra, bóng đá Việt Nam sẽ không thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp nếu bản thân những thành tố của nó không chuyên nghiệp. Và nếu cần một cuộc cách mạng làm thay đổi gốc rễ vấn đề thì điều đầu tiên phải bắt đầu tư cơ sở, từ các đội bóng thì mới mong có được một “ngôi nhà” bóng đá mà người ta hay nói là "xây từ móng".