Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của hình thức kinh doanh này, các chuyên gia về thuế cho rằng, việc siết chặt quản lý là hết sức cần thiết nhưng cũng đòi hỏi phải có chính sách, lộ trình cụ thể hơn để ngăn chặn gian lận thương mại, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Chặn lỗ hổng quản lý mạng
Hiện nay, lĩnh vực kinh doanh online hay còn gọi là kinh doanh TMĐT ở Việt Nam được mở rộng tới các dịch vụ hàng hóa như: Hàng tiêu dùng, thiết bị y tế chuyên dụng; các dịch vụ cung cấp thông tin, pháp lý, tài chính; chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các hoạt động mới như siêu thị ảo... Tuy vậy, bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, đa dạng đã sinh ra nhiều biến tướng. Lừa đảo trên mạng, bán hàng trốn thuế qua mạng, quảng cáo không đúng sự thật…
Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT do Chính phủ ban hành ngày 16/5/2013 quy định: "Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật". Thông tư 47 của Bộ Công Thương chỉ làm rõ hơn quy định của Nghị định 52 nhằm tạo hiệu quả trong việc ngăn chặn
các DN kinh doanh TMĐT gian lận, trốn thuế bấy lâu chưa có chiều hướng thuyên giảm. Nói rõ về đối tượng áp dụng cho Thông tư 47, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Thông tư áp dụng cho các cá nhân, tổ chức dùng mạng xã hội dưới hình thức sàn giao dịch điện tử mà trên đó cho phép người tham gia được mở gian hàng, buôn bán, trưng bày, giới thiệu sản phẩm…
Đòi hỏi nâng cả về hạ tầng lẫn phối hợp
Trước thực trạng trào lưu kinh doanh TMĐT trên các mạng xã hội đang nở rộ với quy mô thị trường ngày càng lớn (45% người sử dụng internet có tham gia mua sắm qua các mạng xã hội, và dự báo có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới), đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải quản lý như thế nào cho chặt chẽ và hiệu quả, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quản lý thuế.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT cho rằng, về chất lượng hàng hóa, theo tinh thần của Thông tư số 47, dù các thành viên tham gia bán hàng trên mạng xã hội không phải đăng ký với Bộ Công Thương, nhưng các chủ trang mạng này sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT, đồng thời chịu trách nhiệm trước tiên về chất lượng hàng hóa. "Điều này sẽ ràng buộc người bán trên các mạng xã hội phải thực hiện trách nhiệm với chủ sàn giao dịch TMĐT, và chủ sàn cũng phải chủ động phát hiện và chịu một phần trách nhiệm khi trên sàn bán các loại hàng hóa vi phạm pháp luật. Quy định này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh hơn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng" - ông Hưng chia sẻ.
Liên quan tới nghĩa vụ nộp thuế, có thể xác định được doanh số hay không và nếu phát sinh nghĩa vụ thuế thì thu từ đâu? Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ, việc đánh thuế khi kinh doanh trên mạng xã hội không phải là một loại thuế mới. Bản chất chính là liên quan đến thuế thu nhập cá nhân. "Thay vì mang hàng đến chợ để trao đổi giao dịch thì mang đến "chợ ảo" để bán. Dù là quản trị mạng hay thành viên tham gia, nếu các cá nhân này có lãi thì đều phải nộp thuế" - bà Cúc khẳng định. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế có hiệu lực từ 1/1/2015, thuế thu nhập cá nhân của cá nhân kinh doanh sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm dựa trên doanh thu tùy ngành hàng. Như vậy, các cá nhân lên sàn TMĐT buộc phải cung cấp thông tin như tên, địa chỉ, mã số thuế cá nhân, số điện thoại...; Thông tin chính xác, trung thực về hàng hóa, dịch vụ; Nộp thuế theo quy định.
Bà Cúc cho rằng, cơ quan Thuế, Bộ Công Thương cần phối hợp với các cơ quan quản lý như Bộ TT&TT, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước; phối hợp với các công ty viễn thông cung cấp hạ tầng mạng… để trao đổi, thu thập thông tin của các đơn vị có hoạt động TMĐT; thông tin về việc đăng ký website sàn giao dịch TMĐT, đăng ký tên miền, thuê máy chủ, thuê đường truyền dẫn, thanh toán qua ngân hàng; Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online… đảm bảo 100% người nộp thuế đều có điều kiện tiếp cận các phương tiện này.
Trang web thương mại điện tử nhommua.com
|
Lãnh đạo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho hay, Thông tư số 47 không quy định cụ thể về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội, nhưng Nghị định số 52 đã quy định: "Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật". Việc kê khai thuế, cách thức thu thuế, mức thuế, loại thuế… được áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế và quản lý thuế. Trang web thương mại điện tử nhommua.com. |