Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Chậm hướng dẫn, thiếu khung pháp lý

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiến độ sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong 10 năm qua (2001 - 2010) không đạt kết quả như mong đợi có một phần nguyên nhân là do các bộ, ngành ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn quá chậm, phổ biến từ 6 tháng đến 1 năm sau khi các nghị định được ban hành.

Hướng dẫn chậm
 

Theo Bộ KH - ĐT, sau khi Chính phủ ban hành các nghị định về sắp xếp DNNN, việc ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn ở các bộ, ngành thường rất chậm trễ. Chẳng hạn, Nghị định số 80/2005/NĐ-CP về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước được Chính phủ ban hành từ ngày 22/6/2005. Tuy nhiên, mãi đến ngày 8/12/2005, nghĩa là 6 tháng sau Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 109/2005/TT-BTC hướng dẫn thi hành. Còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì mất 4 tháng mới ban hành Thông tư 29/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về chính sách lao động của Nghị định 80.

Trong các dẫn chứng, Bộ Tài chính là đơn vị chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn nhiều nhất. Nghị định 109/2008/NĐ-CP về bán, giao DN 100% vốn nhà nước được Chính phủ ban hành từ 10/10/2008 nhưng mãi đến ngày 20/10/2009, tức hơn 1 năm, Bộ Tài chính mới có Thông tư 202/2009 hướng dẫn về tài chính. Đối với việc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, Nghị định số 63/2001/NĐ-CP về chuyển đổi DNNN, DN thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội thành công ty TNHH một thành viên được Chính phủ ban hành từ tháng 9/2001 nhưng phải đến tháng 3/2002 Bộ Tài chính mới có thông tư hướng dẫn xử lý tài chính khi chuyển đổi.

Nghị định 101/2009/NĐ-CP thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước đã có từ ngày 5/11/2009, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể hóa các điều kiện thí điểm thành lập tập đoàn, đặc biệt điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu của công ty mẹ tập đoàn.

Thiếu khung pháp lý cho quản trị

Theo Thứ trưởng Bộ KH - ĐT Đặng Huy Đông, chúng ta vẫn chưa tạo lập được đầy đủ và đồng bộ khung pháp lý cho quản trị DNNN. Cho đến nay, các DNNN đã chuyển sang hoạt động theo Luật DN được hơn một năm nhưng vẫn "chiểu" theo các quy định của Luật DNNN. Ví dụ các tổng công ty 91 vẫn đang áp dụng các quy định tại Nghị định số 132/2005/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với các công ty nhà nước. Các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn áp dụng quy định tại Nghị định 101/2009/NĐ-CP về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước. Các tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian chưa tự xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương vẫn phải áp dụng chế độ tiền lương quy định tại các Nghị định 205/2004, Nghị định 206/2004, Nghị định 2007/2004, và Nghị định 141/2007 của Chính phủ.

Xin được dẫn chứng từ một trường hợp cụ thể là Vinaconex - đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm cổ phần hóa tổng công ty theo quyết định của Thủ tướng. Tại thời điểm Vinaconex tiến hành cổ phần hóa, do chưa có văn bản quy định cụ thể việc cổ phần hóa tổng công ty nhà nước, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đã chỉ đạo Vinaconex áp dụng Nghị định 187/2004/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 187/2004/NĐ-CP chỉ quy định cho việc cổ phần hóa các DNNN thông thường, đơn lẻ, quy mô nhỏ mà thiếu các quy định chi tiết và cụ thể liên quan đến việc cổ phần hóa toàn bộ một tổng công ty nhà nước... Mặc dù sau này Chính phủ ban hành Nghị định 109/2007 thay thế Nghị định 187/2004 nhưng vẫn có nhiều nội dung chưa phù hợp với yêu cầu của thực tế.

Cũng vì các văn bản pháp lý cho cổ phần hóa chưa đầy đủ nên tình trạng người lao động bán hết cổ phần của mình sau khi DN cổ phần hóa, khiến cho tỷ lệ người lao động và cán bộ công nhân viên chức giữ cổ phần trong DN rất thấp, như ở Tập đoàn Dệt may Việt Nam không còn là trường hợp hiếm.

Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý, chính sách ưu đãi cho người lao động tại DN sau cổ phần hóa, có như vậy mới hiện thực hóa được mục tiêu đưa người lao động lên làm chủ DN.