Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng nhìn chung vẫn chậm và còn không ít vấn đề đặt ra. Ngày càng... đủng đỉnh Từ năm 1992, chủ trương CPH DNNN được triển khai. Từ đó đến nay, tiến trình này có thể được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (từ năm 1992 - 1998), được coi là giai đoạn thí điểm. Trong đó từ năm 1992 - 1996 chỉ có 5 DNNN; từ 1996 - 1998 được mở rộng ra với 25 DN. Giai đoạn thứ hai (từ năm 1998 - 2000), được coi là giai đoạn mở rộng. Giai đoạn này được chia làm 2 thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất (từ năm 2001 - 2003) có 642 DN. Thời kỳ thứ hai (từ năm 2003 - 2007) có 2.649 DN, được coi là thời kỳ tăng tốc. Giai đoạn thứ ba (từ năm 2008 đến hết năm 2015), tiến độ CPH bị chậm lại. Trong 4 năm từ 2008 - 2011, chỉ có 117 DN được CPH, tương đương với năm 2007 và thấp hơn nhiều so với mấy năm trước; năm 2012 chỉ có 13 DN, năm 2014 có 74 DN. Cộng dồn đến cuối năm 2015 đã có 4.407 DN đã thực hiện CPH. Phải chữa dứt “bệnh cũ” Tiến trình CPH sau nhiều năm chậm, nguyên nhân vẫn là “bệnh cũ”. Có yếu tố về tư duy, còn không ít ý kiến cho rằng DNNN phải giữ vai trò chủ đạo, nếu giảm số lượng DNNN sẽ làm giảm vai trò chủ đạo này. Về số lượng, mặc dù số DNNN có giảm, nhưng vẫn còn không ít DNNN có quy mô vừa và lớn. Đối với loại này, công việc CPH thường phức tạp, khó khăn hơn, từ việc định giá thương hiệu, tài sản đến tổ chức bộ máy, người lao động. Có yếu tố do thị trường chứng khoán từ năm 2008 đã “vượt qua đỉnh sang dốc bên kia”, có năm chỉ bằng 1/4 đỉnh điểm. Có yếu tố do một số lãnh đạo DNNN lo ngại sẽ mất hoặc giảm quyền kiểm soát DN khi chuyển sang công ty cổ phần, nên đã trì hoãn, làm chậm lại quá trình CPH...
Giai đoạn thứ tư (từ đầu năm 2016), bước vào giai đoạn mới của quá trình CPH. Tính từ đầu năm đến 28/6, cả nước đã CPH 39 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Sắp xếp theo các hình thức khác với 12 DN (giải thể 9, phá sản 1, bán 1). Tính từ đầu năm đến 28/7, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Hà Nội… đã bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại DN với tổng giá trị theo sổ sách là 907,7 tỷ đồng, thu về 2.830,4 tỷ đồng... Tuy đạt được nhiều kết quả như trên, nhưng về CPH cũng còn một số vấn đề đặt ra. Thời hạn để Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường theo cam kết khi gia nhập WTO đã đến rất gần. Một trong những nội dung chuyển đổi này là vai trò của Nhà nước chuyển đổi mạnh hơn từ quản lý, hành chính sang kiến tạo, liêm chính... thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ. Đặt DNNN trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Muốn vậy, cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đáng lưu ý, thu hẹp danh mục Nhà nước nắm giữ 100% (tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực viễn thông, an ninh quốc phòng, độc quyền tự nhiên như Tập đoàn Điện lực (EVN) với đường truyền dẫn...), còn lại là đã sở hữu với 2 mức 51% và 65%, bỏ 75% và 90%... Giảm số lượng DNNN mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối, thoái vốn ở những lĩnh vực ngoài ngành, đặc biệt là 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư). Cần thiết phải tạo sức ép đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu. Và điều quan trọng làm nên chất lượng CPH không chỉ là chuyển thành công ty cổ phần, mà là cả quá trình thoái vốn Nhà nước, cải thiện quản trị DN, bảo đảm chất lượng DN sau CPH.
Nguồn: Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN |