Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu Trung Quốc lao dốc hơn 7% khi dịch nCoV lây lan với tốc độ “chóng mặt”

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh trong phiên 3/2 do những lo ngại dịch bệnh viêm phổi do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) khi các nhà đầu tư trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Các cổ phiếu tại thị trường Trung Quốc đại lục giảm hơn 7% trong phiên giao dịch ngày 3/2 khi giới đầu tư bắt đầu giao dịch sau kỳ nghỉ kéo dài trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi do virus corona đang lây lan với tốc độ “chóng mặt”.
Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải sụt 7,31%. Trong khi đó, chỉ số Tổng hợp Thâm Quyến đã giảm 7,74% và chỉ số thành phần Thâm Quyến hạ 7,48%. Chỉ số chứng khoán tại Đài Loan (Trung Quốc) đã giảm 2,8%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 3/2.
Tuy nhiên, tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng lại tăng 0,3% lên 26.370,78 điểm.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,92%, trong khi chỉ số S&P ASX/200 giảm 1,25%.điểm. Tương tự, tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI đã giảm 0,23%.
Trong khi đó, chỉ số chứng khoán MSCI châu Á, không tính thị trường Nhật Bản cũng mất hơn 0,59%.
Đà giảm mạnh của các cổ phiếu châu Á được ghi nhận ngay trong phiên giao dịch sau đợt nghỉ Tết Nnguyên đán diễn ra do lo ngại những tác động đến kinh tế toàn cầu khi đợt bùng phát virus corona bắt nguồn từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người tại nước này.
Trước đó một ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương Trung Quốc - PBoC) đã thông báo kế hoạch bơm 1.200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 173 tỷ USD) vào nền kinh tế nhằm giảm bớt cú sốc do dịch bệnh đối với thị trường tài chính, khi hoạt động thương mại được nối lại.
Cơ quan này nhận định thanh khoản chung trên toàn hệ thống sẽ đạt khoảng 900 tỷ nhân dân tệ (xấp xỉ 130 tỷ USD), vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là khoản bơm tiền mạnh nhất kể từ năm 2004 - thời điểm sau khi dịch SARS chấm dứt. Các chuyên gia của Tập đoàn tài chính ngân hàng DBS Group (Singapore) cho rằng: “Từ nay đến hết tuần, cơ quan tiền tệ Trung Quốc cần bơm thêm tiền mặt thông qua hợp đồng mua lại đảo ngược hoặc kích thích cho vay trung hạn để giải tỏa tâm lý lo ngại trên thị trường”.
Ngày 1/2 vừa qua, giới chức tài chính Trung Quốc cho biết nước này đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ tài chính để kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, Trung Quốc sẽ nỗ lực duy trì khả năng thanh khoản đầy đủ và hợp lý.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, hiện được giao dịch ở mức 97,459 điểm sau khi giảm còn 97,8 điểm trong tuần trước.
Đồng yen Nhật Bản, vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn trong thời điểm bất ổn kinh tế, hiện ở 108,53 yen đổi 1 USD, sau khi tăng mạnh từ lên 108,9 yen vào tuần trước.
Thông tin về tình hình hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc mà trọng tâm là chỉ số nhà quản trị mua hàng (MPI) trong tháng 1 dự kiến được công bố sáng nay 3/2.
Theo PBoC, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) bùng phát sẽ có tác động nhất thời đến nền kinh tế Trung Quốc nhưng không làm thay đổi nền tảng để kinh tế nước này tăng trưởng về dài hạn và có chất lượng.
Lo ngại virus corona lan rộng cũng khiến chứng khoán Mỹ rớt thảm phiên cuối tuần trước. Mọi nỗ lực đưa chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đi lên đã tan biến khi chỉ số này rớt tới 600 điểm trong tháng 1.
Tính đến sáng 3/2, số người nhiễm chủng mới của virus corona tại Trung Quốc đã vượt qua con số 17.200 người, trong đó 2.829 ca nhiễm mới trong ngày 2/2, và 361 trường hợp tử vong.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết trong số 57 ca tử vong mới trong ngày 2/2, có tới 56 ca ở tâm dịch là tỉnh Hồ Bắc.