Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ quan bảo hiểm xã hội phải có chức năng thanh tra

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã thảo luận về một số vấn đề lớn trong...

Kinhtedothi - Sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã thảo luận về một số vấn đề lớn trong Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); cho ý kiến về Dự án Luật Thú y và Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Một điểm được các thành viên UBTV Quốc hội tán thành là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để đảm bảo tính khả thi, các cơ quan, tổ chức công đoàn và BHXH Việt Nam phải tăng cường tuyên truyền, vận động, đổi mới công tác quản lý. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng tham gia BHXH và có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Riêng về việc bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia BHXH bắt buộc theo đề nghị của Ủy ban về Các vấn đề xã hội lại không nhận được sự đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng, nên quy định đối tượng này thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ.

Dự án Luật cũng bổ sung quy định về mức đóng BHXH tự nguyện do người lao động lựa chọn, mức đóng thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo và mức đóng cao nhất không quá 20 lần mức lương cơ sở. Về căn cứ tiền lương để đóng BHXH, có hai phương án được đưa ra. Thứ nhất, áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động từ ngày 1/1/2018. Thứ hai, theo quy định của Bộ luật Lao động từ ngày Luật BHXH có hiệu lực (1/7/2015). Theo Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, trong điều kiện hiện nay nên việc quy định lộ trình thực hiện từ ngày 1/1/2018 sẽ đảm bảo tính khả thi hơn. Vì theo dự kiến năm 2018, lương tối thiểu sẽ thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ luật Lao động. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cũng đồng tình về thời điểm áp dụng cách tính tiền lương, phụ cấp để đóng BHXH và thẳng thắn: "Phải cố thực hiện lộ trình này, không thể kéo dài".

Thận trọng hình thức đầu tư quỹ

Nhiều ý kiến tán thành với việc giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH, bởi đây là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động, không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy. Tuy nhiên, góp ý về quy định các hình thức đầu tư của Quỹ BHXH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Cần phải xem xét lại, với những cách đầu tư Dự án Luật đưa ra đều không hợp lý. BHXH không phải là cơ quan đầu tư tài chính, vì vậy "vác tiền" đi đầu tư là phải thận trọng, bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được khi cần thiết.

Trong vấn đề mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia, trong số hai phương án được đưa ra, nhiều ý kiến tán thành với lộ trình: Tính bình quân của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (1/7/2015) đến 31/12/2019; từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối; từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Chủ nhiệm Trương Thị Mai lưu ý: Cần quy định quỹ bảo hiểm của người lao động ở khu vực công và tư được hạch toán riêng để đảm bảo công bằng, minh bạch trong đóng - hưởng.Cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Thú y và Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.