Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có sức nặng và xứng đáng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khá nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm trái chiều khi Hội Nhà văn Hà Nội công bố các tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội năm 2012. Tuy nhiên, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: "Các tác giả, tác phẩm đoạt giải năm nay đều có sức nặng và xứng đáng đoạt giải".

“Tranh cãi” và “chính kiến”

Tác phẩm "Lolita" của Vladimir Nabokov từng bị từ chối, chỉ trích, thậm chí bị cấm đoán, nhưng nó lại được dịch và xuất bản tại gần 40 quốc gia, trở thành 1 trong số 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại, 100 tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ XX, 10 tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất thế giới. Nhiều nhà phê bình sẵn sàng quy tác phẩm vào thể loại "tiểu thuyết huê tình", gợi dục mãnh liệt. Nhiều người lại muốn gán cho "Lolita" tiếng nói đại diện của thời đại nữ quyền nổi lên ở những nước phương Tây thời đó… Nhưng những ai hiểu được thiện chí, hàm ý của tác giả, hiểu được những quang cảnh văn hóa rộng lớn cũng như chiều sâu khám phá về tâm lý, cảm xúc mà ông đã chạm tới trong tác phẩm mới thấy thích "Lolita".

Có sức nặng và xứng đáng - Ảnh 1

Tác phẩm Lolita, một trong năm tác phẩm đoạn giải thưởng của Hội nhà văn năm 2012

Cũng vì thế, tháng 3/2012, sự ra mắt của bản dịch tiếng Việt do dịch giả Dương Tường dịch, tiểu thuyết "Lolita" do Nhã Nam phát hành đã không tránh khỏi "giông bão" từ dư luận trong nước. Ngoài những tranh cãi vốn có, nhiều người còn cho rằng, phiên bản "Lolita" Việt Nam không được dịch sát với nguyên mẫu. Và khi "Lolita" giành giải Dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội, cuốn tiểu thuyết lại một lần nữa gây tranh cãi. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, việc trao giải cho Lolita thể hiện chính kiến của Hội về bản dịch: "Đây là tác phẩm thuộc hàng nổi tiếng nhất, gây tranh cãi nhất của văn học thế giới thế kỷ XX. Đây cũng là tác phẩm khó dịch nhất. Dịch giả Dương Tường đã có một sự nghiệp dịch thuật to lớn, đã có nhiều thành công trong lĩnh vực này, nhưng ông đã phải dành hai năm liền cho cuốn tiểu thuyết lớn của V. Nabokov. Hội đồng nhận định, bản dịch Lolita tuy còn một số chỗ gây tranh cãi về cách dịch, cách hiểu văn bản, nhưng đây là một bản dịch trực tiếp từ tiếng Anh công phu, tâm huyết, có thể coi là tác phẩm dịch "để đời" của dịch giả, đưa lại cho độc giả một kiệt tác của văn chương thế giới ở mức cao nhất có thể".

Những tác giả, tác phẩm có sức nặng

Bên cạnh "Lolita", giải thành tựu năm nay được trao cho tập thơ "Xem đêm" của cố nhà thơ Phùng Cung cũng khiến nhiều người thắc mắc. Vì cho rằng, sự nghiệp của ông chưa xứng tầm để vinh danh. Phản bác điều này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định: "Nhà thơ Phùng Cung (1928 - 1997) đã sống cuộc đời nhiều trầm luân, khổ ải, nhưng chính vì thế mà thơ ông lại đưa đến sự ngạc nhiên lớn cho người đọc. Thơ Phùng Cung cho ta thấy cái tài của ông trong việc sử dụng tiếng Việt thôn quê được nâng lên thành ngôn ngữ thơ, trong cái nhìn cảnh sắc đời sống nông thôn và nông dân, trong sự nén lặng và bùng nổ âm thầm của tâm tư cá nhân trong từng câu chữ. "Xem đêm" là một bằng chứng thuyết phục cho thơ đích thực và sức sống của thơ. Đó là tập thơ của cả một đời người và một nhà thơ có khi chỉ cần một tập thơ như vậy đã đủ cho cả một đời người. Bởi vậy, tập thơ "Xem đêm" và cái tên Phùng Cung xứng đáng được vinh danh".

Giải thưởng Văn xuôi năm nay được trao cho tiểu thuyết "SBC là săn bắt chuột" của nhà văn Hồ Anh Thái. Như đánh giá của nhà phê bình Đăng Điệp, thành viên Hội đồng xét giải: "Hội đánh giá cao những tìm tòi, đổi mới trong cách viết, bút pháp của nhà văn Hồ Anh Thái trong tiểu thuyết, đặc biệt là khả năng cập nhật và phản ánh hiện thực đời sống - một tiêu chí mà Hội luôn rất coi trọng. Đồng thời, tác phẩm còn mang tính triết học". Còn giải thưởng Thơ được trao cho tập "Buổi câu hờ hững" của nhà thơ Nguyễn Bình Phương nhờ đóng góp, tìm tòi về mặt thi pháp với những suy tưởng sâu sắc về đời sống nhân sinh hôm nay và sứ mệnh của người cầm bút. Có sức nặng không kém nữa là tác phẩm "Dĩ vãng phía trước" của nhà văn Ngô Thảo được nhận giải Lý luận phê bình.