Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cổ tặc” hoành hành tại di tích 3.000 tuổi

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng một tháng qua, các đối tượng đào trộm hiện vật liên tục đào xới tại di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Chúng sẵn sàng tìm mọi cách để được ngày đêm đào xới ở di tích có niên đại 3.000 tuổi.

 Hố đào trộm cổ vật tại di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Ảnh: Lại Tấn.
Bùng phát hiện tượng đào xới

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, 3 - 4 người đào trộm cổ vật thường xuyên xuất hiện tại di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Ngày 1/11, nguyên Trưởng An ninh thôn Lai Xá Phạm Văn Hùng phát hiện 3 đối tượng đang đào trộm cổ vật đã tri hô, đuổi theo nhưng nhóm đối tượng bỏ chạy về khu vực đường 32. Bức xúc trước thực trạng trên, ông Hùng đã có phản ánh với báo Kinh tế & Đô thị. Ngay sau đó, phóng viên cùng ông Hùng ghi nhận thực tế đã bắt gặp một số người dân đang canh gác cho nhóm "cổ tặc" hoặc cắt cỏ để lấp hố, che đậy hành vi đào trộm. Qua thực tế cho thấy, tại di tích xuất hiện nhiều hố đào dấu vết còn mới, có hố rộng 2m, sâu hơn 1m. Ông Phạm Văn Hùng cho biết: “Thời gian trước, khu vực Vườn Chuối còn nguyên trạng, chỉ có 1 - 2 hố đào của các nhà khảo cổ nhưng đến nay mật độ ngày càng dày đặc (hơn 20 hố). Trước đây, nhóm đào trộm thường sử dụng đất để trả lại mặt bằng nhưng do đào nhiều, các hố chỉ được phủ cỏ, nguy hiểm với người dân khi canh tác tại Vườn Chuối. 5 năm trước, tôi từng bắt giữ đối tượng nên giờ vẫn nhận ra nhóm đó có một người đến từ Thanh Hóa, 2 người còn lại ở các huyện Hoài Đức và Quốc Oai của Hà Nội”.

Được biết, tình trạng đào trộm hiện vật tại di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối đã xuất hiện từ năm 2008. Năm 2009, cán bộ an ninh thôn đã bắt được nhiều vụ đào trộm với đầy đủ bằng chứng (máy dò, cuốc, xẻng và hiện vật mà chúng đào được). Thậm chí lúc cao điểm, nhóm “cổ tặc” đến nhà cán bộ an ninh thôn để thương lượng. “Nhóm đào trộm cổ vật đã đến nhà tôi để thỏa thuận, đưa trước 200.000 đồng để được phép đào, nếu phát hiện ra cổ vật, số tiền sẽ lên đến hàng triệu hoặc chục triệu đồng. Tuy nhiên, tôi không nhận và đã báo cáo với chính quyền địa phương” - ông Hùng chia sẻ.

Trách nhiệm của chủ đầu tư

Trước đây, UBND TP đã giao cho UBND huyện Hoài Đức chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án Thăng Long 9, Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng Việt Nam bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng khu di chỉ học. Do đó, khi nhìn nhận về vấn đề đào trộm hiện vật thời gian gần đây tại Vườn Chuối, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, một trong các chuyên gia đầu tiên tiến hành khảo cổ học tại khu vực này nhận định: “Để xảy ra tình trạng đào trộm cổ vật, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Quản lý dự án đã không bảo vệ tốt khu vực đất mình quản lý, để cho nhóm người lạ vào đào bới". Lý giải về nguyên nhân đào cổ vật bùng phát ở đây, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho rằng, thông qua việc tuyên truyền về giá trị di sản của Vườn Chuối nên các đối tượng nhận định có hiện vật, tiến hành đào trộm.

Theo GS.TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học): “Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối có số phận rất mong manh vì nằm ngoài đồng, không được bảo vệ. Trong điều kiện như vậy, chỉ cần một hố đào đã làm hỏng tính toàn vẹn di tích, xáo trộn tất cả tầng văn hóa, cũng như di vật còn lưu lại trong lòng đất. Đây là di chỉ khảo cổ rất quan trọng của Thủ đô Hà Nội, do vậy cần có sự vào cuộc nhanh nhạy, quyết liệt để bảo vệ tính toàn vẹn của di tích".

Khu di chỉ Vườn Chuối đang được xác định là nơi hình thành Nhà nước thời đại đồng thau rất sớm ở Hà Nội, tương đương với thời đại tiền Hùng Vương. Sau rất nhiều lời kêu cứu của các nhà khoa học, giá trị của khu di chỉ bắt đầu được các cơ quan chức năng quan tâm, nhưng việc bảo vệ khỏi sự xâm hại thì vẫn còn bị bỏ ngỏ.