KTĐT - Từ Hà Đông lên, con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu dẫn chúng tôi đến nhà bà Đinh Thị Dung (ảnh trên) nằm tít sâu trong một ngôi nhà cổ, ngõ nhỏ ở làng Yên Xá, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Bà Dung năm nay 69 tuổi, Anh hùng lao động (AHLĐ) duy nhất của Bệnh viện 103.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu để viết bài, bà cười hiền: "Có gì đâu mà viết, tôi cũng chỉ làm công việc bình thường thôi, nay đã nghỉ hưu, vui tuổi già với con cháu". Nhưng sau nhiều lần thuyết phục, bà đồng ý tiếp chúng tôi.
1. Trước khi đến gặp bà Dung, tôi cứ băn khoăn với Thượng tá Nguyễn Đình Lộc, Phó trưởng Phòng Hậu cần Bệnh viện 103 rằng, đơn vị biết bao thế hệ giáo sư, bác sĩ có nhiều thành tích đáng nể trong y học, cứu sống hàng nghìn thương bệnh binh cũng như người dân thì không được danh hiệu AHLĐ, mà danh hiệu ấy lại thuộc về một đầu bếp? Thượng tá Lộc ân cần giải thích: Đối với người bệnh, thuốc, tư tưởng và ăn uống là 3 yếu tố có vai trò quyết định đến kết quả "chiến đấu" với bệnh tật. Đối với bác sĩ cũng thế, chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng, ăn thế nào hợp lý để đủ sức chiến đấu trên mặt trận chăm sóc sức khỏe quân, dân. Vì vậy, vai trò của bếp ăn vô cùng to lớn, và cần được đánh giá tương đương với vai trò của công tác khám chữa bệnh. Khi trò chuyện với bà Dung, tôi mới rõ hơn phần nào về công việc của bà, cũng như những khó khăn, gian truân của một bếp trưởng trải qua hai chặng đường, thời chiến lẫn thời bình.
2. Sinh ra trong một gia đình yêu nước, có truyền thống cách mạng, bố là liệt sĩ khi bà chưa đầy 3 tuổi. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ tảo tần nuôi con, lớn lên, bà vào quân ngũ khi vừa tròn 16 tuổi. Đó là năm 1959, bà được Học viện 103 tuyển dụng vào đơn vị làm cấp dưỡng. Với trình độ mới học hết lớp 7, vì muốn trau dồi kiến thức, bất cứ lúc nào rỗi, bà đều dành thời gian học để nâng trình độ và nghiệp vụ. Do ham học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, yêu nghề và biết lắng nghe ý kiến của mọi người, năm 1965 bà được lãnh đạo và tập thể đơn vị cử làm bếp trưởng. Với cương vị của mình, bà vẫn tiếp tục học hỏi để nắm chắc nguyên tắc thanh quyết toán tài chính, tránh bị sai sót, nhầm lẫn. Và, dẫu là bếp trưởng, nhưng hầu như mọi công việc của bếp bà đều đảm nhận hết. Nhớ lại những ngày gian truân ấy, bà Dung chia sẻ: Đâu phải như bây giờ, người nội trợ có đầy đủ sách dạy nấu ăn, chế biến món ăn để tham khảo, hay có thể tra cứu trên mạng, thích ăn món gì, có cách nấu của món đó. Hồi ấy, chúng tôi vừa làm theo "gia truyền", vừa theo kinh nghiệm, nhưng phải luôn luôn sáng tạo để phù hợp với điều kiên, hoàn cảnh. Mì, ngô, bo bo, khoai, sắn mọi người ăn mãi cũng chán, tôi đành phải xay bột ra để chế biến đủ món như bánh đúc, bánh cuốn, bánh lá… để anh em đổi món. Ngày đi bộ vài ba cây số mua thực phẩm, gánh gánh gồng gồng về đã mệt đứt hơi, đêm lại hì hục xay bột, mỏi phờ hai cánh tay. "Tôi nói vậy không phải kể công, mà thời ấy ai cũng thế thôi, cũng vất vả, gian truân, có được bữa ăn đâu đơn giản, công của cả một tập thể, mỗi người một việc". Nhắc đến sự vất vả lúc bấy giờ, bà Dung lặng buồn, ánh mắt bà rơm rớm giọt lệ: "Vất vả là thế nhưng không ai kêu khó, ngại khổ, mà đau đớn nhất là những lần chứng kiến đồng đội hi sinh. Năm đó (1972-1973), giặc đánh phá miền Bắc, đơn vị phải sơ tán hết nơi này đến nơi khác. Quân đi đến đâu, bếp ăn phải di chuyển đến đó. Tôi theo khối Ngoai, di tản đến làng Thanh Thần, Cao Viên, Thanh Oai (Hà Tây cũ), có lúc lại ở đơn vị (Học viện bây giờ), nấu ăn rồi mang cơm đến cho đơn vị. Có lần, vì mải nấu nướng, khi đưa cơm đến cho các chiến sỹ thì thấy B52 dội xuống, nhà cửa tan hoang, cây cối đổ nát, nhiều đồng đội ngã xuống, trong đó có nhiều cấp dưỡng, chẳng có nỗi đau nào bằng". Nhiều đêm bà vuốt nước mắt thương đồng đội, nhưng lòng tự nhủ phải cứng rắn lên để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không có sự góp công của mình, bữa ăn của anh em trong đơn vị sẽ kém chất lượng, ảnh hưởng đến chuyên môn, công việc. Nghĩ đến điều này, bà lại càng nỗ lực để phục vụ quân nhân.
Ngày nối ngày, bà Dung cần mẫn đạp xe đưa cơm phục vụ thương binh, bệnh binh tại nơi sơ tán. Và một "kỷ lục" không nhiều người đạt được, hơn 40 năm công tác, bà đã 27 năm liền đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua"; 20 năm đạt danh hiệu "Chiến sỹ quyết thắng"; tập thể bà phụ trách liên tục đạt "Bếp nuôi quân giỏi". Ngoài ra, bà còn được tặng thưởng nhiều huân chương có giá trị khác như: 2 lần được Huân chương Chiến công hạng Nhì; 1 lần nhận Huân chương Kháng chiến… Đặc biệt, năm 1989, bà đã được nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động". Cái tâm đáng quí của bà là tấm lòng tất cả vì tập thể, bà biết lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm với anh em, đồng chí, đồng đội. Nhắc đến danh hiệu cao quí này, bà vẫn khiêm tốn: "Công việc của tôi bình thường lắm, đồng nghiệp của tôi cũng vất vả, tâm huyết với nghề. Nhưng có lẽ danh hiệu này ít người được, nên mọi người nhường cho tôi".
3. Chia tay bà Đinh Thị Dung, tôi trở lại Bệnh viện 103 thăm bếp ăn của đơn vị. Nhiều cấp dưỡng khi thấy tôi nhắc đến bà Dung, người thì bảo: "Bà là cô Tấm của Viện 3 đấy", người lại bảo: "Chúng tôi đang tiếp nối, phát huy những thành quả mà chị Dung để lại, cố gắng học tập noi gương chị, xứng đáng với lòng tin yêu của cán bộ, chiến sĩ đơn vị". Với công việc bình dị, thầm lặng hằng ngày, bà Dung góp phần cùng các thầy thuốc lập nhiều chiến công, chữa trị, chăm sóc tận tình, hiệu quả cho thương binh, bệnh binh, đối tượng chính sách, người dân... góp vào thành tích chung của Bệnh viện hai lần từng nhận danh hiệu Anh hùng trong suốt 60 năm qua. Dù trực tiếp chữa trị, hay thầm lặng phía sau buồng bệnh, trong bếp ăn, bà đã tôn vinh thêm cho hình ảnh người chiến sĩ áo trắng Bệnh viện 103 thêm tin cậy, gần gũi, thân thương trong lòng người bệnh. Nay về nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, nhưng bà chưa một ngày nghỉ ngơi. Bà vẫn tận tâm phục vụ con, cháu, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với đồng đội. Trong góc nhỏ của làng Yên Xá, có một cửa hàng bán tạp hóa, thực phẩm, chủ cửa hàng nho nhỏ ấy là một AHLĐ, bà quan niệm "bán hàng cho vui tuổi già, lời lãi chẳng đáng là bao". Cả làng Yên Xá, ai ai cũng biết bà, và đều từng mua thực phẩm của bà bởi bà không những cung cấp hàng hóa cho người dân, mà cái tâm của bà luôn dành cho họ. Ai nghèo khổ, khó khăn, bà bán rẻ hơn, có thể cho nợ dài ngày. Nhiều người dân, nhiều hàng xóm nay vẫn gọi bà với cái tên trìu mến "cô Tấm làng Yên".