Vaccine phòng bệnh chưa có nên việc giữ gìn vệ sinh cá nhân là biện pháp tối ưu để loại trừ virus gây bệnh.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu phân tích, sở dĩ bệnh TCM thường tăng mạnh, bùng phát vào mùa tựu trường là do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Cơ chế lây bệnh của TCM thường là lây trực tiếp khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus, do đó nó rất dễ lây trong môi trường sinh hoạt chung của trẻ ở lớp học, nhà trẻ… “Chỉ cần một trẻ bị bệnh TCM là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào” - ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Tại Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, toàn TP hơn 300 trường hợp mắc TCM và không có tử vong, riêng trong tuần vừa qua ghi nhận 116 ca mắc mới. Mặc dù số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng tháng 9 đến tháng 12 thường là thời điểm mà Hà Nội phải đối mặt với bệnh TCM. Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, đã yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã rà soát lại hóa chất, máy móc để tập trung tiêu độc, khử trùng các trường mầm non, mẫu giáo vì chủ yếu người mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi. Việc làm này được thực hiện song song với các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác.
Để phòng bệnh TCM cho trẻ, TS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, cho cả mẹ và bé, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc vệ sinh cho trẻ, trước và sau khi ăn. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với người bị TCM. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.