Ấy vậy mà sai sót trong đội ngũ trọng tài vẫn diễn ra, thậm chí mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Thậm chí, mới đây, dư luận không khỏi sốc trước thông tin, một tổ trọng tài dính phải nghi án nhận 100 triệu đồng của đội bóng. Tất nhiên, cần có thời gian và biện pháp để làm sáng tỏ nghi án này. Nhưng, qua đây, người ta nhận ra rằng, cuộc chiến chống tiêu cực trong giới trọng tài luôn vô cùng phức tạp và không phải cứ nâng chế độ là có những ông “Vua sân cỏ” trong sạch.
Đến đây, người ta đặt câu hỏi rằng, làm sao để chống tiêu cực khi tất cả các biện pháp cần thiết đã được thực thi nhưng tiêu cực vẫn hoàn tiêu cực. Ai đó cho rằng, đừng đổ lỗi cho các trọng tài tham của khi mà hàng ngày họ thường xuyên phải đối mặt với những món quà hấp dẫn từ đội bóng. Rằng, muốn chống tiêu cực, các đội bóng phải chơi sòng phẳng, đừng nghĩ đến chuyện đưa tiền hối lộ trọng tài.
Nhưng, người khác lại biện luận rằng, các đội bóng cho tiền là hành động chẳng đặng đừng, thậm chí, họ bị ép phải bồi dưỡng những ông “Vua sân cỏ”. Đã thi đấu thì đội bóng nào cũng muốn thắng. Mà muốn thắng thì đừng để trọng tài thổi ép. Thế nên, các đội bóng phải đưa ra những biện pháp để "phòng vệ", hoặc tránh nguy cơ đối thủ "mua trước" trọng tài. Và, ý kiến này cho rằng, muốn chống tiêu cực thì trọng tài đừng có nhận tiền.
Tranh luận mãi về cái gọi là "cho", "nhận" trong làng bóng đá nhưng chẳng có kết luận cuối cùng. Cũng đúng thôi, ngay cả việc công bố danh tính các trọng tài nhận tiền, đội bóng cho tiền mà đến mấy tháng cũng chưa thể làm thì nói gì đến cuộc chiến rích rắc với vấn nạn "tiếng còi đen".