Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Con lợn ăn Tết

Hương Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28, 29 Tết, trời còn tờ mờ sáng, bố và anh tôi đã lục tục dậy đi thịt lợn đụng. Việc bàn thảo, ngắm nghía con lợn nào, rủ những nhà nào ăn chung đã được người lớn râm ran từ mấy tháng trước. Con lợn càng nặng, càng to, càng béo thì người lớn càng có chuyện để mà kể cho lũ trẻ ngày nào cũng hóng đợi đến ngày mổ lợn.

Ảnh minh họa
Khi bố và anh lên xe đi mổ lợn, chúng tôi không đứa nào có thể ngủ rốn thêm được nữa. Cả lũ háo hức, bàn tán xôn xao xem năm nay nhà mình lấy mấy cân thịt, rồi còn lòng, gan, tiết, chân giò hay tai. Không đứa nào dám đội mưa gió rét mướt tối tăm đi xem nên đành vùi niềm hồi hộp vào trong chăn ấm, đến khi trời sáng là vùng cả dậy.
Lúc ấy thì bố và anh tôi đã mang thịt lợn đụng về.

- Con lợn những hơn tạ, có bốn nhà chia nhau, tha hồ ăn nhé.
Bố tôi khà khà cười, ngắm lũ con mặt nở hoa, đang lượn quanh thúng thịt lợn còn đỏ tươi, nóng hổi.
Nào thì thịt nạc vai dùng để cắt khoanh cúng hoặc để xiên chả. Nào là chân giò để hầm với măng khô. Nào là xương sườn để làm món xào chua ngọt. Bao nhiêu thịt bạc nhạc, ba chỉ thì để làm làm nem. Thịt thăn thì đã được mang giã giò rồi, khi nào giò chín bố hoặc anh sẽ lại phi xe đi lấy về nữa. Còn cả món lòng dồi tim cật được chia để nấu bữa cháo ăn ngay cho đã thèm nữa chứ. Năm nào mà giành được phần cái bong bóng, bố bơm căng lên, mấy chị em vừa chạy nhảy vừa đá huỳnh huỵch, chả thấy rét mướt gì nữa.
Ngày xưa người ta không quan trọng thịt nhiều mỡ hay nhiều nạc như bây giờ. Vì mỡ hay nạc thậm chí cả bì lợn cũng có thể chế biến làm món ăn được hết. Nhiều mỡ, đương nhiên cũng tốt vì mỡ ấy phải rán ra để xào nấu. Với nhiều nhà, mỡ dùng cho cả năm chỉ “gói gọn” trong cái lần rán mỡ lợn đụng đó.
Tôi vẫn nhớ như in cái âu da lươn của bà thường được cất vào quang treo trên bếp, vừa để tránh mèo, chuột, kiến, chó vừa đỡ bị cái đứa hậu đậu như tôi va vào làm đổ. Vào những sáng mùa Đông, âu mỡ đông lại trắng phau.

Một phần tư con lợn, cả mỡ cả nạc cả xương, đúng là một cái Tết trọn vẹn. Hầu như chả đứa nào nhớ mình đã từng khóc tỉ ti trước đó vì thương con lợn “thân thiết” đã bị thịt. Nhưng không phải năm nào cũng được như vậy. Sáng sớm 28 Tết năm ấy, vẫn thấy bố và anh tôi dậy, nhưng không khăn áo nai nịt gọn gàng nữa mà chong đèn trầm ngâm. Chúng tôi cũng thức, nhưng chẳng đứa nào dám nói năng gì. Rồi lại ngủ. Khi tỉnh dậy, thấy một rổ thịt lợn. Đủ cả tim, phổi, lòng, gan, thịt bụng, thịt mông, cả bốn cái chân giò, cả hai cái tai... Chỉ có điều, món nào cũng bé tí. Chị tôi lén quay đi, bật khóc. Con lợn nhà tôi mới nuôi được hơn tháng, định bụng lúc bán để sắm quần áo, sách vở cho năm học mới. Tôi nghe thấy bố thì thầm với mẹ:

- Phải bịt chặt mõm nó để khỏi kêu người ta nghe thấy.

- Thôi, cho con nó có cái ăn Tết, kẻo tội.

Tôi nghe thấy mẹ nghèn nghẹn.

Rổ thịt không to lắm nhưng cũng thỏa mãn niềm háo hức rất trẻ con. Tôi yên chí, chạy rảo chơi khắp xóm.

- Tết năm nay nhà tao được ăn cả một con lợn.